Viêm phổi là bệnh thuộc hệ hô hấp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi do sức khỏe suy yếu, hệ miễn dịch kém.
1. Nguyên nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi
Các bệnh về phổi là một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều, tuổi tác, các thói quen hút thuốc lá, cùng với sự phát triển của các virus gây bệnh đường hô hấp là những nguyên nhân chính gây các bệnh về phổi.
Câu hỏi đặt ra vì sao người cao tuổi dễ bị viêm phổi? trên thực tế người cao tuổi có rất nhiều các yếu tố đặc thù làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở người cao tuổi, cụ thể:
Do sự lão hóa của hệ thống miễn dịch làm cho người cao tuổi không chống lại được sự tấn công của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Người cao tuổi sức khỏe yếu, dinh dưỡng kém...làm cho sức khỏe suy giảm dẫn đến viêm phổi.
Người cao tuổi khi thấy mệt mỏi, tức ngực, sốt nhẹ, ho cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý mạn tính cả toàn thân và đường hô hấp như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, bệnh gan, thận mạn tính, viêm phế quản mạn, giãn phế quản, COPD, hoặc bị tai biến nằm lâu một chỗ...làm tăng nguy cơ bị viêm phổi.
Ngoài ra, các yếu tố khác như người nghiện thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia, khói bụi ô nhiễm môi trường... là các yếu tố thường gặp và là tác nhân thúc đẩy tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi.
Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều có thể tìm được nguyên nhân. Có tới 50% trường hợp không tìm được nguyên nhân gây bệnh.
Chính vì vậy, nguyên nhân viêm phổi chủ yếu do vi sinh vật (vi khuẩn, virus, vi nấm), do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào) hoặc ít vận động, nằm lâu do liệt…
Các vi khuẩn, virus sẵn có ở mũi, họng, khi cơ thể đang suy yếu vì nhiễm lạnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm chúng tấn công vào đường hô hấp và gây bệnh. Điển hình là vi khuẩn phế cầu và một số virus đường hô hấp, vi nấm.
Ngoài ra, nhiễm các loại virus như virus cúm thông thường, virus gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp (SARS), virus cúm gia cầm, Corona virus cũng đều có thể là nguyên nhân gây viêm phổi nặng.
Viêm phổi cũng có thể do nguyên nhân mắc phải tại bệnh viện. Đây là bệnh lý viêm phổi xuất hiện sau nhập viện 48 giờ bao gồm cả các trường hợp viêm phổi trên bệnh nhân thở máy. Trong bệnh viện, sau nhiễm khuẩn tiết niệu và nhiễm khuẩn máu khiến phổi dễ bị nhiễm khuẩn nhất. Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện khác nhau giữa từng bệnh viện, thậm chí là từng khoa trong cùng một bệnh viện.
2. Biểu hiện sớm viêm phổi ở người cao tuổi
Triệu chứng phổ biến của viêm phổi ở người cao tuổi là ho thường kèm theo cảm giác khan cổ họng/ xuất hiện đờm có màu vàng, xanh hoặc có máu.
Các biểu hiện khác thường thấy là: Khó thở; Tim đập loạn nhịp; Sốt, cảm thấy mệt mỏi, uể oải; Thường xuyên đổ mồ hôi và run rẩy; Ăn không cảm thấy ngon miệng; Đau ngực khi bình thường và trở nặng hơn khi thở hoặc ho.
Các triệu chứng ít phổ biến hơn là: Ho ra máu; Nhức đầu; Mệt mỏi; Buồn nôn; Thở khò khè; Đau khớp và cơ; Cảm thấy choáng và mất phương hướng, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Người cao tuổi nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng bằng cách ăn nhiều rau xanh
3. Chăm sóc bệnh nhân viêm phổi tại nhà hiệu quả
Khi mắc viêm phổi người cao tuổi cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý, luôn uống đúng và đủ các loại thuốc bác sĩ đã kê. Dừng uống thuốc khi chưa hết đơn có thể thể làm vi khuẩn tiếp tục sinh sôi và bệnh viêm phổi sẽ quay lại.
Khi mắc viêm phổi người cao tuổi cần chú ý tăng cường lưu thông đường thở, bù nước cho người bệnh bằng cách thường xuyên nhắc nhở uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để làm loãng đờm và dễ long đờm, uống nhiều nước còn bù lại lượng nước mất do sốt, thở nhanh. Có thể bổ sung nước ép trái cây hoặc sinh tố trái cây cho người bệnh.
Hàng ngày cần vệ sinh sạch sẽ họng miệng bằng hình thức đánh răng, súc họng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng bằng cách ăn nhiều rau xanh và không nên hút thuốc và uống rượu, bia. Nên vận động cơ thể hằng ngày bằng các động tác tập thể dục buổi sáng và tập hít thở đều (hít sâu,thở ra từ từ).
Người cao tuổi cần chú ý làm ẩm và nóng không khí hít vào cũng làm loãng đờm và dễ long đờm. Bệnh nhân có thể đeo khẩu trang, hít vào bằng đường mũi rồi thở ra qua miệng, môi khép kín.
Nếu ho, người bệnh nên ho ở tư thế ngồi và hơi cúi về phía trước. Đầu gối và hông ở tư thế gấp để cơ bụng mềm và ít căng cơ bụng khi ho. Hít vào chậm qua mũi thở ra qua môi mím. Tránh quá sức khi ho sẽ gây tổn thương cho phổi.
Để bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều. Cẩn thận với tình trạng bệnh ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn, bởi vì viêm phổi có thể tái phát.
Nên để bệnh nhân bị viêm phổi nằm nghỉ trên giường bệnh để giảm tiêu hao năng lượng, thay đổi tư thế thường xuyên. Quan sát và theo dõi thường xuyên thể trạng người bệnh, tình trạng tinh thần. Chú ý tới các dấu hiệu nhiễm khuẩn như: môi khô, lưỡi dơ, mắt trũng, sốt. Khó thở có thể xuất hiện sau vài giờ, tím môi tùy thuộc vào mức độ bệnh, khó thở có thể nặng và diễn tiến xấu.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/viem-phoi-o-nguoi-cao-tuoi-nhung-luu-y-khong-the-bo-qua-169240729212242614.htm