Tối 1/8, tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, diễn ra Chương trình khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI, năm 2024, với chủ đề “Ngọc Linh - Mãi mãi tự hào”.
Dịp này, UBND tỉnh Quảng Nam công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến Sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”.
Trước giờ khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI, năm 2024 đã diễn ra Lễ rước biểu tượng Sâm Ngọc Linh. Trong không gian tràn ngập ánh sáng và màu sắc, dưới sự hướng dẫn của già làng, nhiều thanh niên trong trang phục truyền thống người Xê Đăng thực hiện nghi thức rước biểu tượng sâm Ngọc Linh với sự chứng kiến của hàng ngàn người dân và du khách.
Lễ hội diễn ra từ ngày 1-3/8 tại thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Qua 5 lần tổ chức, Lễ hội Sâm Ngọc Linh hàng năm đã trở thành điểm hẹn hấp dẫn của du khách gần xa. Tham gia lễ hội, du khách không chỉ có dịp chiêm ngưỡng những cây sâm Ngọc Linh đẹp mà còn được thưởng thức nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh tham gia hội thi sâm Ngọc Linh
Bà Nguyễn Thị Dự, một hộ dân trồng sâm Ngọc Linh, tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My bày tỏ: “Khi chưa có Lễ hội sâm Ngọc Linh thì giá cây sâm rất rẻ, từ khi có lễ hội thì cây sâm Ngọc Linh được rất nhiều người biết đến và giá cây sâm được nâng cao đáng kể. Người trồng sâm ở huyện Nam Trà My, tôi rất vui mừng khi tổ chức phiên chợ sâm và lễ hội sâm”.
Trong khuôn khổ lễ hội có Phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi với quy mô 60 gian hàng. Ngoài ra, còn có nhiều hội thi về sâm Ngọc Linh, trình diễn cây nêu, các gian hàng ẩm thực miền núi, dân vũ... Lễ hội sâm Ngọc Linh nhằm quảng bá giá trị sâm Ngọc Linh, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Nam Trà My đến với người dân trong nước và bạn bè thế giới.
Nghi thức rước biểu tượng sâm Ngọc Linh
Phát biểu tại lễ hội, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lễ hội là một trong những hoạt động thuộc chuỗi sự kiện kinh tế - văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Trà My. Qua lễ hội, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ rừng; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước; từng bước hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại lễ khai mạc
Theo ông Hồ Quang Bửu, tỉnh Quảng Nam sẽ làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ ngành liên quan để xin chủ trương tổ chức Lễ hội Sâm quốc tế tại Quảng Nam vào năm 2025.
“Huyện Nam Trà My cần thực hiện tốt quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ quản lý chặt chẽ chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh tại các xã đã được công nhận. Khẩn trương giao đất dưới tán rừng cho các hộ, nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh theo quy hoạch”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.
Tỉnh Quảng Nam tiếp tục mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh.
Tại lễ hội, UBND tỉnh Quảng Nam công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến Sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”. Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật .“Ngọc Linh – Mãi mãi tự hào”.
Theo Long Phi/VOV miền Trung
https://vov.vn/van-hoa/khai-mac-le-hoi-sam-ngoc-linh-lan-thu-vi-tai-quang-nam-post1111759.vov