Cập nhật: 02/08/2024 17:20:00
Xem cỡ chữ

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia trong mùa mưa bão năm 2024, khu vực Bắc Bộ sẽ thường xuyên xuất hiện mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trên cơ sở tổng kết, đúc rút về tình hình mưa, bão trong những năm vừa qua trên địa bàn tỉnh, các nhận định dự báo về tình hình mưa, bão năm 2024, để chủ động phòng, chống và ứng phó với tình hình mưa bão phức tạp nêu trên, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, đồng thời bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ban An toàn giao thông tỉnh trân trọng đề nghị:

1. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các huyện, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, vi phạm kích thước thùng hàng trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên các đoạn đường đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ngập, úng, có nguy cơ cao về hỏng hóc kết cấu hạ tầng; phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương kịp thời ứng trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các điểm có nguy cơ ngập, sạt lở khi có mưa to.

- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, trong đó tập trung tuyên truyền đến các cộng đồng dân cư sinh sống ven sông, các bến khách ngang sông...; vận động và hướng dẫn các chủ đò, chủ phương tiện làm thủ tục cấp phép, đăng ký theo quy định; yêu cầu các chủ đò, chủ bến trên địa bàn ký cam kết bảo đảm an toàn trong hoạt động vận chuyển khách; trong đó, xác định rõ trách nhiệm của chủ đò trong việc không chở quá số người cho phép, không cho đò xuất bến khi người tham gia giao thông không tuân thủ những quy định an toàn và khi thời tiết, khí hậu, mực nước trên các sông có những diễn biến phức tạp; tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn và các thủ tục pháp lý quy định; nghiêm cấm triệt để việc sử dụng bè, mảng, thuyền gia dụng chở học sinh đi học; chuẩn bị các địa điểm an toàn để các phương tiện thủy trú, tránh; thiết lập điện thoại đường dây nóng, bảo đảm lực lượng thường xuyên ứng trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, sẵn sàng tham gia phối hợp giải quyết các tình huống.

2. Sở Giao thông vận tải

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan (Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện trên các tuyến đường, trong đó tập trung ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm về tải trọng phương tiện trên các tuyến đường đang có nguy cơ cao về hỏng hóc kết cấu hạ tầng do ngập, lún.

- Chỉ đạo phòng, ban chuyên môn kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền, triển khai phương án tổ chức giao thông phù hợp, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời bảo vệ tối đa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên trên tuyến: khơi thông rãnh dọc; sửa chữa ngay các ổ gà; xử lý triệt để tình trạng ngập, đọng nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu mặt, nền đường; sẵn sàng phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông khi tiếp nhận thông tin của các lực lượng chức năng... nhằm bảo đảm an toàn giao thông và cho kết cấu hạ tầng giao thông.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông và các phòng chuyên môn liên quan phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương và các tổ chức, cá nhân tăng cường kiểm tra về điều kiện hoạt động của các Bến khách ngang sông, Bến phà, Bến tàu du lịch (Bến), phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

3. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình: Dân dụng và Công nghiệp; Giao thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án huyện, thành phố là chủ đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường, tràn, ngầm… trên đường đang khai thác quan tâm, chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công:

- Không tiếp nhận và sử dụng xe ô tô tải chở nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình chở hàng quá trọng tải, xe vi phạm kích thước thùng hàng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông. 

- Bố trí nhân lực, vật lực ứng trực trên tuyến, chủ động cảnh báo kịp thời các điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông; kịp thời hót đất đá sạt lở, dọn dẹp cây cối đổ gẫy, vá ổ gà...; thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng liên quan để phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông khi có nguy cơ hỏng hóc kết cấu hạ tầng giao thông, ngập gây ùn tắc, gián đoạn giao thông.

4. Các cơ quan: Báo Vĩnh Phúc; Đài Phát thanh ‑ Truyền hình tỉnh; Công thông tin điện tử tỉnh

Kịp thời đưa tin về diễn biến thời tiết; thông báo, khuyến cáo tới Nhân dân về các vị trí mất an toàn giao thông (đoạn đường ngập sâu, nước chảy siết, sạt lở…) trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường thời lượng tuyên truyền về các biện pháp an toàn giao thông trong điều kiện thời tiết phức tạp.

5. Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố

- Kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ‑ Trưởng ban Ban An toàn giao thông địa phương chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động các nguồn lực của địa phương, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng chức năng khắc phục kịp thời các sự cố làm mất an toàn giao thông, gây hỏng hóc kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường qua địa bàn.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi các tuyến đường qua địa bàn; có biện pháp bảo đảm an toàn, kịp thời thông báo, khuyến cáo Nhân dân không qua lại các vị trí mất an toàn giao thông (đoạn đường ngập sâu, nước chảy siết, sạt lở…). Trường hợp phát hiện sự cố ngoài khả năng xử lý cần báo cáo ngay cho UBND huyện, thành phố và cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo kịp thời.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của các tổ chức, cá nhân kinh doanh các bến, vận tải khách trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động của Bến, phương tiện không đủ điều kiện hoạt động; thực hiện giải tỏa các công trình, nhà hàng nổi… hoạt động trái quy định (tập trung tại các khu du lịch, địa điểm tổ chức lễ hội); kịp thời đình chỉ hoạt động của các phương tiện thuỷ, công trình, nhà hàng nổi không tuân thủ những quy định an toàn và khi thời tiết, khí hậu, mực nước trên các sông, hồ có những diễn biến phức tạp.

Để chủ động phòng, chống và ứng phó với tình hình mưa bão phức tạp, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị các đơn vị quan tâm, chỉ đạo thực hiện.