Cập nhật: 04/08/2024 20:00:00
Xem cỡ chữ

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Yên Lạc đã được tăng cường, khơi thông, đến gần hơn với người dân để phát triển kinh tế, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

3 năm trước, với số vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Lạc, gia đình ông Phạm Văn Tính ở xã Đồng Cương đã đầu tư vào nuôi trâu sinh sản và làm trang trại kết hợp nuôi thả cá. Nhờ nguồn vốn chính sách mà kinh tế của gia đình ông Tính đã tốt hơn, từ đàn trâu một vài con đến nay ông Tính có cả đàn trâu lên đến mấy chục con, tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Lạc, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến hết tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Yên Lạc đạt trên 545 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với năm 2014. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, có gần 30 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn để giải quyết việc làm, sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện Yên Lạc.

Với những quyết sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã giúp hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo ngày càng hiệu quả, lan tỏa sâu rộng, xứng đáng với sứ mệnh là một chính sách an sinh xã hội đặc biệt, tiếp sức cho người nghèo, các đối tượng chính sách trong hành trình vượt lên đói nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nguyễn Toàn