Cập nhật: 08/08/2024 20:02:00
Xem cỡ chữ

Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 1 ổ bệnh dại tại huyện Bình Xuyên và trên 2.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, đáng chú ý có 2 trường hợp ở huyện Lập Thạch tử vong do bệnh dại. Điều đáng nói là cả 2 trường hợp tử vong đều không điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn.

Phần lớn số ca tử vong vì bệnh dại do chủ quan không tiêm vắc xin phòng bệnh. Mặt khác, các ổ dịch dại có chiều hướng gia tăng do việc quản lý và tiêm vắc-xin phòng dại trên đàn động vật chưa chặt chẽ. Các loại động vật có nguy cơ lây nhiễm bệnh dại cho người cao như chó, mèo có tỷ lệ tiêm phòng thấp, nhiều nơi tập quán còn thả rông.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn chó, mèo nuôi; phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó mèo, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi giai đoạn 2022-2025.

Các đơn vị chức năng tuyên truyền thường xuyên để người nuôi chó, mèo thực hiện nghiêm quy định về quản lý, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài phải đeo rọ mõm và có người dắt, đảm bảo an toàn ở các khu vực công cộng, tránh để chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng.

Các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; người bị chó, mèo cắn đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng kịp thời.

Đặng Thưởng