Cập nhật: 09/08/2024 13:55:00
Xem cỡ chữ

Nhằm xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam, thời gian qua các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức xã hội nỗ lực hỗ trợ giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Bà Khổng Thị Vân ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch năm nay đã 74 tuổi là vợ liệt sĩ. Bà đang nuôi dưỡng một người con trai bị di chứng từ chất độc da cam không có khả năng lao động nhiều năm nay. Ngoài mức trợ cấp được hưởng hng tháng, trước hoàn cảnh của bà, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà, và tích cực tìm nguồn tài trợ giúp đỡ cho gia đình.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có hơn 3.600 người trực tiếp tham gia kháng chiến và hơn 1.400 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách. Thời gian qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa như “Vì nạn nhân chất độc da cam” do Trung ương Hội phát động. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh huy động mọi nguồn lực nhằm chăm lo tốt hơn đời sống cho các nạn nhân. Hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Vĩnh Phúc được Trung ương Hội đánh giá cao.

Để công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đạt hiệu quả và thiết thực hơn, các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các hội quần chúng để vận động kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ xây dựng Quỹ trợ giúp nạn nhân chất độc da cam, cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp nạn nhân da cam ổn định cuộc sống.

Vũ Hằng