Cập nhật: 10/08/2024 09:55:00
Xem cỡ chữ

Ý tưởng biến đổi sao Hỏa thành một thế giới thân thiện hơn với con người thường xuất hiện trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng. Nhưng liệu điều này có thể thực hiện được trong thực tế không?

Có rất nhiều thách thức đối với việc định cư của con người trên sao Hỏa, trong đó nhiệt độ cực lạnh của hành tinh này là trở ngại nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)

Có rất nhiều thách thức đối với việc định cư của con người trên sao Hỏa, trong đó nhiệt độ cực lạnh của hành tinh này là trở ngại nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)

Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Advances, nhóm các nhà khoa học từ Đại học Chicago và Đại học Northwestern đề xuất một phương pháp mới để làm ấm hành tinh lân cận Trái đất bằng cách sử dụng các hạt được thiết kế đặc biệt, có kích thước tương tự như kim tuyến thương mại và được làm từ sắt hoặc nhôm.

Các hạt nói trên sẽ được bơm vào khí quyển sao Hỏa dưới dạng các hạt khí để giữ lại nhiệt thoát ra và tán xạ ánh sáng mặt trời về phía bề mặt sao Hỏa. Ý tưởng này nhằm tăng cường hiệu ứng nhà kính tự nhiên giúp nâng nhiệt độ bề mặt sao Hỏa lên khoảng 50 độ Fahrenheit (28oC) trong vòng một thập kỷ.

“Điểm chính trong nghiên cứu của chúng tôi là đề xuất sử dụng các hạt nano nhân tạo để làm ấm khí quyển sao Hỏa. Phương pháp này có thể hiệu quả hơn so với các ý tưởng trước đây tập trung vào việc giải phóng khí nhà kính, vốn đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên khan hiếm trên sao Hỏa”, Tiến sĩ Edwin Kite, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Chicago, cho biết.

Mặc dù chỉ là bước đầu tiên và chưa đủ để biến sao Hỏa thành nơi có thể sinh sống được cho con người, nhưng theo các nhà khoa học, phương pháp này mở ra khả năng thực tế hóa ý tưởng cải tạo môi trường sao Hỏa và có thể đóng góp vào việc định hình các chiến lược khám phá sao Hỏa trong tương lai.

Có rất nhiều thách thức đối với việc định cư của con người trên sao Hỏa: thiếu oxy để thở, bức xạ tia cực tím có hại do khí quyển mỏng, đất nhiễm mặn không thể trồng trọt, các cơn bão bụi thỉnh thoảng bao phủ phần lớn hành tinh… Nhưng nhiệt độ cực lạnh của sao Hỏa được xem là trở ngại nghiêm trọng hơn cả.

“Chúng tôi đưa ra đề xuất để chứng minh rằng ý tưởng làm ấm sao Hỏa là khả thi. Hy vọng những phát hiện mới của chúng tôi sẽ khuyến khích cộng đồng khoa học và công chúng tiếp tục khám phá ý tưởng thú vị này”, chuyên gia Samaneh Ansari tại Đại học Northwestern, tác giả chính của nghiên cứu bày tỏ.

Nhiệt độ trung bình trên bề mặt sao Hỏa vào khoảng -85 độ Fahrenheit (-65oC). Với khí quyển mỏng manh, nhiệt lượng mặt trời trên bề mặt sao Hỏa dễ dàng thoát vào không gian. Đề xuất của nhóm nghiên cứu nhằm mục đích tạo điều kiện để tồn tại nước dạng lỏng trên bề mặt sao Hỏa khi mà nước ở hành tinh này hiện đang dưới dạng băng ở các vùng cực và trong lòng đất.

Các nhà khoa học đề xuất liên tục thả các hạt nhỏ hình que - gọi là nanorods - vào khí quyển sao Hỏa với tốc độ khoảng 8 gallon (30 lít) mỗi giây trong nhiều năm. “Chúng ta có thể vận chuyển công cụ sản xuất đến sao Hỏa và tạo ra các hạt nano tại chỗ, vì sắt và nhôm có sẵn trên bề mặt hành tinh”, Ansari nói.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thận trọng về những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra khi can thiệp vào môi trường của một hành tinh khác. Họ nhấn mạnh rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng cả lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của việc làm ấm sao Hỏa, đặc biệt là trong trường hợp hành tinh này có thể chứa đựng sự sống dưới dạng vi sinh vật.

Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/cac-nha-khoa-hoc-de-xuat-lam-am-sao-hoa-bang-cach-su-dung-kim-tuyen-giu-nhiet-post823621.html