Cập nhật: 11/08/2024 20:00:00
Xem cỡ chữ

Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, Vĩnh Phúc đã đạt được kết quả tích cực trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu Xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng, phát triển các nền tảng, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước. Đến nay, Vĩnh Phúc đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; phát triển các ứng dụng, dịch công phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện để người dân thực hiện các giao dịch về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thông qua triển khai thực hiện có hiệu quả ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, tất cả cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế đã trang bị thiết bị để ứng dụng căn cước công dân gắn chíp vào khám chữa bệnh BHYT.

Trên địa bàn tỉnh đang cung cấp 1.474 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến trong đó có 596 thủ tục hành chính một phần và 878 thủ tục hành chính toàn trình. Trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh tiếp nhận gần 154.000 hồ sơ trực tuyến được nộp thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tại các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố trung bình đạt gần 60 %. Ngoài ra, hiện có 419/479 thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính đã tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, hoàn thiện các nền tảng số để chính quyền số vận hành đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên môi trường số.

Hà Giang