Cập nhật: 16/08/2024 08:26:00
Xem cỡ chữ

Tất cả nam giới đều có thể mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng ở một số người có những yếu tố nguy cơ cao hơn. Hiểu được điều này sẽ giúp nam giới biết cách phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này.

1. Những yếu tố nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt

 

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ thuộc hệ sinh dục nam, bao gồm hai thùy nhỏ và nằm phía trước trực tràng, ngay dưới cổ bàng quang, chỗ nước tiểu đi ra niệu đạo. Vai trò của tuyến tiền liệt chủ yếu là cung cấp tinh dịch, là môi trường cho các hoạt động của tinh trùng và tạo điều kiện thuận lợi quá trình thụ tinh. Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào trong tuyến tiền liệt bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát. Đây là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở nam giới.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt cao nhất ở độ tuổi trên 50 đến 65 tuổi. Trong khi có một số yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác và tiền sử gia đình thì cũng một số yếu tố khác có thể kiểm soát được ảnh hưởng đến ung thư tuyến tiền liệt như: chế độ sinh hoạt, ăn uống ((ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau), béo phì, hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất và các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Ung thư tuyến tiền liệt có phòng ngừa được không?- Ảnh 1.

Hình ảnh tuyến tiền liệt.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết, tất cả nam giới đều có thể mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng ở một số người có những yếu tố nguy cơ cao hơn. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt như:

Tuổi tác

Ung thư tuyến tiền liệt hiếm gặp ở nam giới dưới 40 tuổi, tăng nhanh sau tuổi 50. Khoảng 6 trong 10 ca ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện ở nam giới trên 65 tuổi.

Lịch sử gia đình

Ung thư tuyến tiền liệt dường như xảy ra ở một số gia đình, điều này cho thấy rằng trong một số trường hợp có thể có yếu tố di truyền. Có cha hoặc anh trai mắc ung thư tuyến tiền liệt làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh này ở nam giới. Nguy cơ cao hơn ở những người đàn ông có anh trai mắc bệnh này so với những người có cha mắc bệnh này. Nguy cơ cao hơn nhiều ở những người đàn ông có nhiều người thân bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu người thân của họ còn trẻ khi phát hiện ra bệnh ung thư.

Những thay đổi gene di truyền

Một số thay đổi gene (được gọi là biến thể hoặc đột biến) được di truyền từ cha mẹ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, mặc dù chúng có thể chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt.

Chế độ ăn uống

Vai trò chính xác của chế độ ăn uống đối với ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa rõ ràng nhưng một số yếu tố đã được nghiên cứu.

Béo phì

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nam giới béo phì có nguy cơ mắc bệnh ở dạng nhẹ (phát triển chậm hơn) thấp hơn, nhưng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt phát triển nhanh hơn. Lý do cho điều này vẫn chưa rõ ràng.

Hút thuốc

Hầu hết các nghiên cứu đều không tìm thấy mối liên hệ giữa hút thuốc và ung thư tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu đã liên kết hút thuốc với nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt tăng nhẹ, nhưng phát hiện này cần được các nghiên cứu khác xác nhận. Quan trọng là hút thuốc rõ ràng có liên quan đến nhiều tác động khác đến sức khỏe, bao gồm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác.

Tiếp xúc với hóa chất

Việc tiếp xúc với một số hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với asen và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Một số nghiên cứu đã gợi ý về mối liên hệ có thể có giữa việc tiếp xúc với chất độc da cam và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, mặc dù không phải tất cả các nghiên cứu đều tìm thấy mối liên hệ như vậy.

Viêm tuyến tiền liệt

Một số nghiên cứu cho rằng viêm tuyến tiền liệt có thể liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng cao nhưng các nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối liên hệ như vậy. Viêm thường thấy ở các mẫu mô tuyến tiền liệt cũng chứa ung thư. Mối liên hệ giữa hai yếu tố này vẫn chưa rõ ràng và đây là một lĩnh vực nghiên cứu đang được quan tâm.

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Các nhà nghiên cứu đã xem xét liệu các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như bệnh lậu hoặc bệnh chlamydia) có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt hay không, vì chúng có thể dẫn đến tình trạng viêm tuyến tiền liệt. Cho đến nay, các nghiên cứu đã có kết quả trái ngược nhau và chưa có kết luận chắc chắn nào được đưa ra.

Ung thư tuyến tiền liệt có phòng ngừa được không?- Ảnh 3.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh giúp hỗ trợ phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.

2. Thay đổi lối sống có giúp phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt không?

Theo ThS.BS Nguyễn Trần Thành, Phó Trưởng Khoa Tiết niệu - Nam học, BV 19-8, để phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt, nam giới nên thực hiện những thay đổi lối sống như: Điều chỉnh chế độ ăn uống, ăn nhiều rau củ và trái cây, giảm thiểu ăn thịt đỏ và chất béo động vật; Tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt; Quan hệ tình dục đều đặn và an toàn với tần suất phù hợp lứa tuổi, tránh nguy cơ viêm nhiễm tuyến tiền liệt.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết, hiện không có cách chắc chắn nào để ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài những yếu tố như tuổi tác, chủng tộc và tiền sử gia đình là không thể kiểm soát được thì có một số điều nam giới có thể làm để giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, đó là kiểm soát cân nặng, hoạt động thể chất và chế độ ăn uống.

Hiện tại, lời khuyên tốt nhất về chế độ ăn uống và hoạt động có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt là:

  • Cần đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

  • Thường xuyên vận động cơ thể.

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều loại trái cây, rau củ nhiều màu sắc và ngũ cốc nguyên hạt.

  • Tránh hoặc hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến, đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thói quen hút thuốc lá…

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, ung thư tuyến tiền liệt có thể tầm soát, phát hiện sớm. Chẩn đoán sớm có thể thực hiện khi sàng lọc ở nam giới trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm những tổn thương còn nhỏ, thậm chí ở mức độ vi thể (chỉ thấy trên kính hiển vi) của tiền liệt tuyến. Chữa trị sớm những tổn thương ác tính có thể làm ngưng sự phát triển, lan rộng, và nhất là có thể chữa khỏi bệnh.

Theo suckhoedoisong.vn 

https://suckhoedoisong.vn/ung-thu-tuyen-tien-liet-co-phong-ngua-duoc-khong-169240810183054879.htm