Nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những bệnh lý ảnh hưởng đến khoảng 8% phụ nữ có thai. Đây là tình trạng gây ra bởi vi khuẩn từ da, âm đạo hay trực tràng xâm nhập vào đường tiết niệu, gây ra tình trạng nhiễm trùng.
Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu dễ xảy ra khi mang thai?
Các loại nhiễm trùng bao gồm: nhiễm trùng tiểu không triệu chứng (ASB), viêm bàng quang cấp và viêm bể thận.
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp hơn khi mang thai là do hormone. Ở thời kỳ mang thai hormone làm giãn trương lực cơ niệu quản, làm chậm dòng chảy của nước tiểu. Sự thay đổi này làm nước tiểu mất nhiều thời gian hơn để đi qua đường tiết niệu, khiến vi khuẩn có nhiều thời gian để sinh sôi.
Ngoài ra, do sự chèn ép của tử cung lên bàng quang, khiến mẹ bầu khó tống xuất hết nước tiểu trong bàng quang. Nước tiểu còn sót lại có thể trở thành nguồn lây nhiễm khi trào ngược từ bàng quang lên niệu đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý ảnh hưởng đến khoảng 8% phụ nữ có thai.
Các loại nhiễm trùng đường tiết niệu
-
Nhiễm trùng bàng quang: Thông thường, vi khuẩn khu trú trong bàng quang và sinh sôi ở đó, gây viêm và tạo nên những biểu hiện khó chịu của nhiễm trùng bàng quang. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ có quan hệ tình dục trong độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi.
-
Nhiễm trùng thận: Vi khuẩn cũng có thể đi từ bàng quang lên ống niệu quản gây viêm nhiễm một hoặc cả hai quả thận. Nhiễm trùng thận (còn gọi là viêm bể thận) là biến chứng y khoa nghiêm trọng phổ biến nhất của thai kỳ. Nhiễm trùng có thể gây tình trạng nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng. Nó cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi: tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, thậm chí còn liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
-
Nhiễm trùng tiểu không triệu chứng: Là khi trong đường tiết niệu có vi khuẩn tồn tại nhưng không gây ra triệu chứng. Khi không mang thai, tình trạng này thường không gây ra vấn đề gì và thường tự khỏi. Tuy nhiên khi mang thai, nếu không được điều trị, nhiễm trùng tiểu không triệu chứng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bị nhiễm trùng thận. Đây là lý do vì sao các mẹ bầu phải xét nghiệm nước tiểu thường xuyên trong thai kỳ.
Biểu hiện nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai
Các triệu chứng có thể không giống nhau ở mỗi người, nhưng thường bao gồm:
Đối với nhiễm trùng bàng quang:
-
Người bệnh có biểu hiện đau, khó chịu hoặc nóng rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
-
Khó chịu vùng chậu hoặc đau bụng dưới (thường ở ngay trên xương mu).
-
Nước tiểu có mùi hôi hoặc trông có vẻ đục, đôi khi có lẫn máu.
-
Có thể sốt nhẹ.
-
Cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên, ngay cả khi có rất ít nước tiểu trong bàng quang.
Đối với nhiễm trùng thận:
-
Người bệnh sẽ có biểu hiện sốt cao (thường bị run, ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi).
-
Đau ở vị trí thắt lưng hoặc bên dưới xương sườn ở một hoặc cả hai bên, có thể cả ở bụng.
-
Buồn nôn và ói mửa.
-
Có máu hoặc mủ trong nước tiểu, có thể bao gồm một số triệu chứng viêm bàng quang.
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai
Đối với nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng hay nhiễm trùng bàng quang, mẹ bầu có thể được điều trị bằng kháng sinh đường uống an toàn cho thai kỳ. Các loại thuốc kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng trong vòng một vài ngày, nhưng điều quan trọng là dùng thuốc đúng và đủ thời gian theo chỉ dẫn của bác sĩ, không ngưng thuốc trước hạn.
Đối với nhiễm trùng thận: Mẹ bầu sẽ phải nhập viện điều trị tích cực. Lúc này, cả mẹ và bé sẽ được theo dõi sát sao, tiến hành làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn và chức năng thận, làm siêu âm kiểm tra hệ tiết niệu, siêu âm kiểm tra thai...
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu phụ nữ mang thai cần chú ý uống đủ nước.
Lời khuyên thầy thuốc
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra khi mang thai vì vậy để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cần chú ý uống đủ nước để làm loãng nước tiểu, góp phần loại bỏ vi khuẩn.
Cần tạo thói quen đi tiểu ngay khi cảm thấy cần, tiểu sạch hoàn toàn nước tiểu. Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục. Thấm khô (không lau quá mạnh tay) sau khi đi tiểu. Vệ sinh đúng cách từ âm đạo ra phía hậu môn sau khi đi đại tiện, để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn xuống đường niệu đạo.
Thai phụ cần lưu ý dùng quần lót bằng vải cotton. Không mặc quần lót bó sát. Không tắm ngâm bồn quá lâu, quá thường xuyên. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-nhiem-trung-duong-tiet-nieu-de-xay-ra-khi-mang-thai-169240807195014769.htm