Đình Phú Lễ nổi tiếng về quy mô rộng lớn, kiến trúc bề thế và những công trình điêu khắc nghệ thuật trang trí bên trong cũng như xung quanh ngôi đình.
Với gần 200 năm tuổi, đình Phú Lễ tọa lạc tại ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, từ lâu đã nổi tiếng là ngôi đình làng có kiến trúc độc đáo bậc nhất của tỉnh Bến Tre.
Được công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1993, đình Phú Lễ được xem là một trong những ngôi đình tiêu biểu ở cù lao Bảo “Nhất Phú Cường, nhì Phú Lễ.”
Đình nổi tiếng về quy mô rộng lớn, kiến trúc bề thế và những công trình điêu khắc nghệ thuật trang trí bên trong cũng như xung quanh ngôi đình.
Theo bia còn lưu lại tại đình, đình Phú Lễ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên nền của ngôi đình bằng gỗ lá tồn tại trước đó.
Giữa không gian yên tĩnh, cổng đình Phú Lễ hiện ra uy nghi và nổi bật. Đình đã gần hai trăm tuổi, qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính.
Ngôi đình ẩn mình giữa những tán cây cổ thụ, khi mặt trời ló rạng, những tia nắng len lỏi qua từng kẽ lá, chiếu vào tường gạch, thềm đá rêu phong càng tôn thêm nét uy nghiêm, trầm mặc vốn có của đình.
Thềm và móng đình được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Đình gồm tất cả 10 gian: 6 gian chính dính liền với mái và 4 gian phụ bố trí theo lối “chữ Đinh” cũng là nhà phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long trước đây. Cột đình bằng gỗ lim, gỗ quý hiếm ở miền Tây Nam Bộ, đường kính 40cm, mái lợp ngói vảy cá.
Hoành phi được sơn son thếp vàng trong đình làng Phú Lễ. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Trong Đình gồm 6 bàn hương án đều sơn son thếp vàng với hình tượng long lân qui phụng rất tinh xảo theo mô típ của đình chùa cổ Việt Nam. Ðặc biệt là nghệ thuật chạm khắc nhiều tầng trên gỗ bao quanh các cột ở gian chánh đường cho thấy tay nghề lão luyện của người thợ ngày đó.
Tương truyền, khi xây đình, các cụ cao niên trong vùng đã mời các thợ và nghệ nhân từ Huế vào chạm khắc nên những tác phẩm gỗ tuyệt đẹp này.
Không chỉ là những hình ảnh các con vật tứ linh mang tính ước lệ của văn hóa cổ Việt Nam mà còn có cả hình ảnh con cá, con cua của vùng biển Ba Tri - những con vật bình dân cũng được đưa vào trong kiến trúc tạo hình.
Sự hoành tráng, uy nghi của ngôi đình cho thấy cuộc sống trù phú và bề dày văn hóa của cư dân Phú Lễ nói riêng và vùng Ba Tri nói chung vào vào đầu thế kỷ trước.
Do chiến tranh và thời gian, các công trình kiến trúc và các hiện vật bài trí bên trong (hương án, cuốn thư, hoành phi, bình phong, bao lam, đồ lễ bộ…) đã bị xuống cấp và hư hỏng nhiều. Tuy nhiên, những phần cơ bản về kiến trúc vẫn còn nguyên, không bị bom đạn tàn phá, đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng còn lưu giữ được đến hôm nay.
Ban thờ Thành Hoàng ở chánh điện đình làng Phú Lễ. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Đình Phú Lễ là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng cư dân, là nơi dân làng gửi gắm những mong ước của mình vào vị thần phò trợ cho làng, được nhà nước sắc phong là Thành hoàng Bổn cảnh. Ngoài thần Thành hoàng, các vị Tiền hiền, Hậu hiền có công khai phá, lập làng cũng được nhân dân đưa vào đình thờ phụng.
Hằng năm, lễ hội tại đình Phú Lễ diễn ra hai lần: Lễ Kỳ yên vào ngày 18-19 tháng 3 âm lịch để cầu mưa thuận gió hòa, và lễ Cầu bông vào ngày 9 -10 tháng 11 âm lịch cầu cho mùa màng tươi tốt.
Lễ hội có rước sắc thần, lễ tế Thành Hoàng, tế Tiền hiền, Hậu hiền (khai khẩn, khai cơ).
Đến với những lễ hội này, du khách còn được lắng nghe hát bội và ca nhạc tài tử - một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Tây Nam Bộ. Những di sản văn hóa này vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay, trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của người dân Bến Tre.
Ngày 7/1/1993, Đình Phú Lễ đã được Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia.
Đến xã Phú Lễ, ngoài đình Phú Lễ, du khách còn được khám phá làng nghề truyền thống nơi đây./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-kien-truc-doc-dao-cua-dinh-phu-le-gan-200-nam-tuoi-o-ben-tre-post968285.vnp