Cập nhật: 30/08/2024 07:30:00
Xem cỡ chữ

Giới khoa học dự báo nước biển và và bầu khí quyển nóng hơn đang tạo ra những cơn bão mạnh hơn, có ảnh hưởng dài hơn và nguy hiểm hơn.

Sóng lớn xô vào bờ biển ở đảo Jeju, Hàn Quốc, do ảnh hưởng của bão Shanshan ngày 28/8/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Sóng lớn xô vào bờ biển ở đảo Jeju, Hàn Quốc, do ảnh hưởng của bão Shanshan ngày 28/8/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 29/8, tổ chức World Weather Attribution (WWA) cho biết biến đổi khí hậu đã làm gia tăng lượng mưa và sức gió khi bão Gaemi đổ bộ khiến hàng chục người thiệt mạng khắp Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục trong năm nay.

Bão Gaemi hoành hành tại Philippines vào tháng Bảy, gây lũ lụt và lở đất trên diện rộng khiến ít nhất 40 người thiệt mạng.

Sau đó, bão đổ bộ vào Đài Loan và Trung Quốc đại lục, gây ra những trận mưa xối xả khiến 50 người thiệt mạng và chính quyền sở tại phải sơ tán 300.000 người.

WWA gồm các nhà khoa học đi tiên phong trong các phương pháp đã được thẩm định để đánh giá mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tổ chức này đã nghiên cứu 3 khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do bão Gaemi: miền Bắc Philippines, Đài Loan và tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc.

Kết quả cho thấy tốc độ gió trong bão Gaemi mạnh hơn 7% do biến đổi khí hậu, trong khi lượng mưa cao hơn 14% tại Đài Loan và 9% tại tỉnh Hồ Nam.

Nghiên cứu không thể đưa ra kết luận chắc chắn về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với lượng mưa tại Philippines do hiện tượng mưa gió mùa phức tạp của khu vực.

WWA cũng phát hiện hiện tượng nước biển nóng lên làm gia tăng 30% số cơn bão mạnh tương tự, từ khoảng 5 cơn bão/năm lên khoảng 6-7 cơn bão/năm.

Ông Ralf Toumi, Giám đốc Viện Grantham-Biến đổi khí hậu và môi trường tại trường Imperial College London, đánh giá nghiên cứu trên xác nhận những điều giới khoa học dự báo trước đó, tức là nước biển và và bầu khí quyển nóng hơn đang tạo ra những cơn bão mạnh hơn, có ảnh hưởng dài hơn và nguy hiểm hơn.

WWA sử dụng phương pháp đánh giá mức độ bất thường của hiện tượng thời tiết cực đoan, sau đó lập mô hình mô phỏng hiện tượng cũng như cường độ tương tự theo hai kịch bản: thế giới ngày nay và một thế giới không nóng như mức độ hiện tại.

Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp này cùng với phương pháp mới của trường Imperial College London dành riêng cho nghiên cứu liên quan các cơn bão nhiệt đới. Mô hình máy tính cũng được dùng để khắc phục tình trạng thiếu dữ liệu lịch sử về các cơn bão nhiệt đới.

Các nhà khoa học WWA cảnh báo nghiên cứu của họ cho thấy rõ thiếu sót trong khâu chuẩn bị ứng phó với bão và các tác động lớn do bão Gaemi gây ra.

Nhóm kêu gọi nhà chức trách cần thực hiện các biện pháp phòng chống ngập lụt đô thị hiệu quả hơn và đưa ra những cảnh báo có mục tiêu nhằm cung cấp thêm thông tin về ảnh hưởng có thể của cơn bão./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/bien-doi-khi-hau-co-the-la-tac-nhan-gia-tang-cuong-do-cua-bao-post973299.vnp