Số tàu cá mất kết nối giám sát hành trình khi hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản trên biển đã giảm xuống còn khoảng 15 - 30 tàu/ngày hiện nay so với trước đây từ 100 - 200 tàu/ngày.
Ông Thái Thanh Lập, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Kiên Giang chia sẻ, kể từ khi khung pháp lý được cải thiện và siết chặt quản lý qua các văn bản như Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, ngày 05/4/2024 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị Quyết số 04/2024/NQ-HĐTP, ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản… tình hình vi phạm khai thác thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tàu cá của ngư dân trên vùng biển An Thới, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang).
Số tàu cá mất kết nối giám sát hành trình khi hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản trên biển đã giảm xuống còn khoảng 15 - 30 tàu/ngày hiện nay so với trước đây từ 100 - 200 tàu/ngày.
Theo Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Kiên Giang, ngành chức năng và các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc lắp đặt lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) về vị trí lắp đặt, niêm phong. Đồng thời, tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra kỹ chất lượng thiết bị, tình trạng lắp đặt, niêm phong và cung cấp dịch vụ giám sát hành trình của các đơn vị cung cấp dịch vụ… để xử lý nghiêm chủ tàu cá, thuyền trưởng, nhà cung cấp dịch vụ nếu có vi phạm quy định pháp luật. Mặt khác, nâng cấp, bổ sung tính năng phần mềm hệ thống giám sát tàu cá, nhằm phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo kịp thời đối với các trường hợp vi phạm qua hệ thống giám sát tàu cá.
Tiếp đến, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất/nhập bến tại các Trạm kiểm soát Biên phòng, nhất là khâu kiểm tra tình trạng niêm phong kẹp chì và tín hiệu của VMS. Cùng đó, phối hợp với lực lượng chức năng liên quan theo dõi, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân thông đồng, cấu kết, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân ngắt kết nối với hệ thống VMS và tháo gửi thiết bị giám sát hành trình.
Thượng tá Phạm Viết Huân, Trưởng Phòng Pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 nêu, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Kiên Giang theo dõi, kịp thời cảnh báo các tàu cá mất kết nối VMS, thông báo đến các lực lượng chức năng các tàu cá có dấu hiệu vi phạm liên quan đến VMS để kịp thời kiểm tra, xử lý. Các đơn vị có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến VMS, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng trên biển và ở bờ trong phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP, ngày 12/6/2024 của Hội đông Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Cùng với đó, Tổ điều tra, xác minh về nguyên nhân mất tính hiệu kết nối VMS tàu cá tỉnh Kiên Giang làm việc với các chủ tàu cá, đại diện doanh nghiệp có liên quan VMS tàu cá mất tín hiệu kết nối thường xuyên để làm rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định.
Tỉnh Kiên Giang hiện có 3.605 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), chiếm 99,4% trên tổng số đoàn tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị này, còn 21 tàu cá chưa lắp đặt VMS do nằm bờ. Tuy nhiên, quá trình hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản, nhiều tàu cá tắt kết nối VMS, gây khó khăn trong việc quản lý tàu cá và phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển.
Theo Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
https://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/giam-manh-so-tau-ca-mat-ket-noi-giam-sat-hanh-trinh-20240831151758535.htm