Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ và đang dần trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, được nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến. Đây đang là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Trong thời đại công nghệ phát triển, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đại đa số người dân. Cùng với sự phát triển đó, xu hướng mua sắm trực tuyến cũng ngày càng phát triển. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân, cùng với các phương thức kinh doanh truyền thống, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung khai thác nền tảng kinh doanh thương mại điện tử để tăng khả năng tiếp cận với khách hàng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện quy mô, chất lượng giao dịch thương mại điện tử của các khối cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chưa cao; trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy mô lớn; tỷ lệ doanh nghiệp phát triển các trang website có chức năng tiếp thị, mua bán sản phẩm trực tuyến đạt hiệu quả còn thấp; phần lớn khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có chiến lược đầu tư khai thác các ứng dụng thương mại điện tử theo chiều sâu… Do vậy nhiều giải pháp đang được ngành triển khai để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh có thị trường thương mại điện tử phát triển, chỉ số thương mại điện tử duy trì thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Trong đó, khoảng 55% người dân trên địa bàn 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 30% người dân trên địa bàn các huyện tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử (cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm hơn 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.
Phương Liên