Hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ngành da giày đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh hóa sản xuất, thích ứng các tiêu chuẩn xanh cũng như các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu toàn ngành da giày đạt hơn 15 tỷ USD, trong đó giày dép đạt khoảng 13 tỷ USD; túi xách đạt hơn 2 tỷ USD. Dự báo, năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành đạt khoảng 26-27 tỷ USD. Mặc dù vậy, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, khó khăn lớn nhất của ngành là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.
Ảnh minh họa
Nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam cho rằng, việc nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu được kỳ vọng là giải pháp để các doanh nghiệp da giày trong nước tận dụng được các lợi thế để phát triển.
Theo bà Xuân: "Làm sao có thể thành lập và phát triển được một trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Hiện nay, yêu cầu về nguồn gốc đối với nguyên phụ liệu đang ngày càng chặt chẽ, thể hiện rõ qua các luật mà phía EU cũng như phía Mỹ sẽ áp dụng. Nếu như chúng ta kiểm soát được các câu chuyện này thì chúng ta mới có thể xuất khẩu được thành công...".
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước. Các doanh nghiệp da giày đang không ngừng nỗ lực học hỏi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế của ngành da giày Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Bá Toàn/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-da-giay-huong-toi-san-xuat-xanh-post1119232.vov