Một nhóm nghiên cứu chung của Trung Quốc ngày 17/9 đã lần đầu tiên công bố bài nghiên cứu về các mẫu đất lấy về từ phía xa hay vùng tối của Mặt Trăng trong sứ mệnh Hằng Nga 6.
Bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí National Science Review, do một nhóm các nhà khoa học đến từ các tổ chức nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc, gồm Đài Thiên văn Quốc gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, Trung tâm Kỹ thuật Vũ trụ và Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc cùng Viện Kỹ thuật Điều khiển Bắc Kinh dẫn đầu.
Bài viết đã mô tả các đặc tính vật lý, khoáng vật và địa hóa của các mẫu đất lấy về từ phía xa Mặt Trăng,
Ảnh minh họa: CCTV
Bài viết cho biết, Hằng Nga-6 đã mang về 1.935,3 gam mẫu đất ở phía xa Mặt Trăng. Địa điểm hạ cánh cho sứ mệnh này nằm ở bồn địa Nam Cực-Aitken, trong đó địa điểm lấy mẫu ở rìa miệng hố va chạm Apollo bên trong bồn địa SPA, nơi lớp vỏ Mặt Trăng rất mỏng và dự kiến sẽ tiết lộ vật chất nguyên thủy của bồn địa va chạm thời kỳ đầu ở phía xa Mặt Trăng.
Bài nghiên cứu cho rằng, các mẫu đất do Hằng Nga-6 mang về không chỉ lấp đầy khoảng trống lịch sử trong nghiên cứu về phía xa của Mặt Trăng, mà còn cung cấp bằng chứng trực tiếp cho việc nghiên cứu quá trình tiến hóa ban đầu của Mặt Trăng, hoạt động núi lửa và lịch sử va chạm ở phía xa của Mặt Trăng, đồng thời mở ra những góc nhìn mới để tìm hiểu sự khác biệt địa chất giữa phía trước (vùng sáng) và phía xa của Mặt Trăng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các mẫu của Hằng Nga-6 không chỉ chứa đá bazan ghi lại lịch sử hoạt động của núi lửa trên Mặt Trăng, mà còn chứa cả vật liệu phi bazan từ các khu vực khác.
Trong lịch sử, đã có hơn 380 kg mẫu đất Mặt Trăng được thu thập thông qua 6 sứ mệnh Apollo của Mỹ, 3 sứ mệnh Luna của Liên Xô cũ và một sứ mệnh Hằng Nga-5 của Trung Quốc, tất cả đều được thu thập ở phía trước Mặt Trăng. Hằng Nga-6 đánh dấu lần đầu tiên nhân loại thu thập thành công các mẫu từ phía xa của Mặt trăng.
Theo Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh
https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/trung-quoc-tiet-lo-thanh-phan-mau-dat-phia-xa-mat-trang-post1122269.vov