Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang chảy mạnh vào Việt Nam, để tận dụng tốt các cơ hội thu hút đầu tư, bứt phá phát triển, Vĩnh Phúc đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đón các nhà đầu tư tiềm năng mới, ưu tiên các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao như công nghệ bán dẫn, vi mạch, phụ kiện điện tử.
Khu công nghiệp Bá Thiện II được thành lập từ năm 2009, có tổng diện tích hơn 308ha do Công ty Cổ phần Vina - CPK làm chủ đầu tư hạ tầng. Đến nay, Khu công nghiệp Bá Thiện II thu hút được gần 80 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lấp đầy toàn khu đạt hơn 80%, song tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất thực tế đã được Nhà nước giao đất đạt tới 98%. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp mong muốn sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các cơ quan chức năng để giải quyết một số vấn đề phát sinh, tồn đọng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp hạ tầng Khu công nghiệp, đặc biệt là liên quan tới công tác bồi thường GPMB: như định giá đất, khung giá đất, giao đất cũng như phê duyệt cấp vốn cho các dự án tái định cư phục vụ cho dự án hạ tầng Khu công nghiệp để tạo hành lang thuận lợi cho việc đẩy nhanh công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án đang thực hiện.
Hơn nữa, liên quan vấn đề GPMB, mặc dù trong suốt thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn sát sao và quan tâm chỉ đạo công tác bồi thường GPMB nhưng công tác này gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của người dân về các quy định của pháp luật, nhất là mong muốn đòi hỏi của người dân quá chênh lệch so với các chính sách bồi thường theo quy định của nhà nước đang được áp dụng nên kết quả của công tác đền bù bồi thường GPMB chưa được như kỳ vọng. Việc này dẫn đến các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp bị kéo dài, bỏ lỡ nhiều cơ hội để giữ chân các nhà đầu tư lớn đến đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ GPMB. Lắng nghe ý kiến của người dân có đất trong diện thu hồi, cùng chủ đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp tháo gỡ hiệu quả các tồn tại, vướng mắc. Từ đó giúp các Khu công nghiệp có mặt bằng sạch hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu, đón các nhà đầu tư tiềm năng.
Đặng Thưởng