Cập nhật: 20/09/2024 08:01:00
Xem cỡ chữ

Trong điều kiện bất lợi của thời tiết mùa mưa, ngập lụt khiến phụ nữ dễ bị viêm phụ khoa, đặc biệt là nhiễm nấm âm đạo. Thời tiết ẩm ướt thúc đẩy sự phát triển của nấm như Candida albicans, đây là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh nhiễm trùng này.

1. Tại sao nhiễm trùng nấm thường gặp trong mùa mưa?

 

Nhiễm trùng nấm thường gặp hơn vào khi thời tiết mưa bão nhiều vì nấm phát triển mạnh trong môi trường ấm áp, ẩm ướt, tăng độ ẩm trong không khí có thể dẫn đến tình trạng da bị ẩm quá mức. Sự kết hợp giữa độ ẩm và nhiệt độ ấm tạo ra điều kiện hoàn hảo cho nấm phát triển. Những vùng cơ thể dễ tiết mồ hôi như vùng kín dễ bị nhiễm nấm gây viêm phụ khoa.

Một yếu tố khác góp phần vào sự lây lan của nhiễm trùng nấm là tiếp xúc gần với nước và bề mặt ẩm ướt. Đi bộ trong nước mưa, ngâm mình trong nước do ngập lụt, mặc quần áo, đồ lót hoặc giày ướt trong thời gian dài, độ ẩm chung trong môi trường... đều có thể góp phần vào sự phát triển và lây lan của nấm.

Phòng bệnh viêm phụ khoa dễ mắc trong mùa mưa lũ- Ảnh 1.

Nhiễm trùng nấm men (Candida) gây viêm âm đạo. Ảnh minh họa.

2. Loại nhiễm trùng nấm thường gặp ở phụ nữ trong mưa lũ

Một số loại nhiễm trùng nấm có thể ảnh hưởng đến phụ nữ trong mưa lũ. Những bệnh nhiễm trùng này không chỉ gây khó chịu mà còn có nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời. Loại nhiễm trùng nấm phổ biến nhất mà phụ nữ là nhiễm trùng nấm men (Candida) gây viêm âm đạo.

Nhiễm trùng nấm men do sự phát triển quá mức của nấm Candida, loại nấm tự nhiên sống với số lượng nhỏ trong cơ thể, đặc biệt là ở miệng, cổ họng, ruột và âm đạo. Mặc dù Candida thường vô hại nhưng một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như độ ẩm tăng cao trong mùa mưa có thể khiến nó sinh sôi nhanh chóng, dẫn đến nhiễm trùng.

Triệu chứng của nhiễm trùng nấm men: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh nấm Candida âm hộ - âm đạo thường do Candida albicans gây ra nhưng đôi khi có thể do các loài Candida hoặc nấm men khác gây ra. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm ngứa, đau âm đạo, giao hợp đau, tiểu khó và khí hư bất thường ở âm đạo...

Phòng ngừa và điều trị: Để ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men trong mùa mưa lũ, điều quan trọng là phải cố gắng giữ cho vùng sinh dục sạch sẽ và khô ráo. Mặc đồ lót cotton rộng rãi, thoáng khí và thay quần áo ướt càng sớm càng tốt có thể giúp ích. Nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng nấm men, kem chống nấm không kê đơn hoặc thuốc đạn âm đạo có thể có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng kéo dài hoặc tái phát thường xuyên cần phải đi khám chuyên khoa.

Phòng bệnh viêm phụ khoa dễ mắc trong mùa mưa lũ- Ảnh 2.

Nên đi khám khi có dấu hiệu bất thường vùng kín.

3. Một số loại viêm phụ khoa phổ biến

Môi trường ẩm ướt, mất vệ sinh sau mưa lũ là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng phát triển, là nguy cơ dẫn đến tình trạng gia tăng viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ. Một số tình trạng viêm nhiễm phổ biến bao gồm:

  • Viêm âm đạo: Thường do vi khuẩn hoặc nấm men gây ra, dễ xảy ra khi vùng kín tiếp xúc với nước bẩn hoặc do vệ sinh kém.

  • Viêm cổ tử cung: Có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra do vệ sinh không đúng cách hoặc sử dụng nước ô nhiễm.

  • Viêm đường tiết niệu: Nước bẩn có thể chứa vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

4. Lưu ý chủ động phòng tránh viêm phụ khoa trong mùa mưa lũ

Mặc dù tránh hoàn toàn tiếp xúc với nước bẩn trong tình trạng ngập lụt nghiêm trọng không phải là việc dễ nhưng chị em cần lưu ý một số cách dưới đây để chủ động phòng tránh nguy cơ viêm phụ khoa trong điều kiện thời tiết mưa lũ:

  • Tránh tiếp xúc với nước lũ. Nếu phải tiếp xúc, nên tắm rửa sạch sẽ ngay sau đó.

  • Giữ vệ sinh cá nhân. Vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng nước sạch, không thụt rửa sâu.

  • Sử dụng quần áo khô ráo, sạch sẽ. Tránh mặc quần áo ẩm ướt, đặc biệt là đồ lót.

  • Sử dụng băng vệ sinh an toàn. Đảm bảo thay thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt.

  • Chăm sóc vùng kín đúng cách. Giữ vùng kín sạch sẽ, khô ráo, tránh các sản phẩm có mùi hương mạnh.

Nếu có các triệu chứng bất thưởng như ngứa, sưng đỏ vùng kín, ra khí hư hôi, tiểu đau, quan hệ tình dục đau cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, nhất là uống đúng theo đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm để điều trị nhiễm trùng.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh, BV Phụ sản Hà Nội, chị em nên khám phụ khoa định kỳ dù có triệu chứng hay không vì việc phát hiện sớm các bệnh lý sẽ đem lại cơ hội điều trị bệnh cao hơn, kinh phí không tốn kém. Khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp chị em phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, cải thiện lối sống, chăm sóc cơ thể đúng cách và quan trọng hơn cả là ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến sinh sản.

Theo suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/phong-benh-viem-phu-khoa-de-mac-trong-mua-mua-lu-169240918120741984.htm