Cập nhật: 25/09/2024 08:19:00
Xem cỡ chữ

Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất UNESCO toàn cầu năm 2010, Hà Giang đã nỗ lực biến danh hiệu thành thương hiệu, từng bước khẳng định vị thế của du lịch Hà Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (WTA) bình chọn Hà Giang là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023” và “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”.

Hà Giang định vị thương hiệu điểm đến hàng đầu Việt Nam và quốc tế - ảnh 1

Hà Giang được vinh danh là “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”

 Đặt trọng tâm vào xây dựng thương hiệu

Xác định rõ việc đạt được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu và phát huy thương hiệu ấy còn khó hơn, Hà Giang đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

Trong đó, tỉnh này đã tạo ra hình ảnh mới và hấp dẫn về tiềm năng du lịch và các chính sách của địa phương đối với các thị trường khách du lịch và nhà đầu tư.

Ngoài việc tập trung vào thị trường nội địa, Hà Giang cũng phát triển các thị trường với quy mô, cơ cấu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả. Tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu cao đối với các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù.

Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, Hà Giang cần phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỉ trọng các thị trường có thời gian lưu trú dài ngày và khả năng chi trả cao, từng bước giảm tỉ trọng các thị trường có chất lượng, hiệu quả thấp, không ổn định. Xác định ưu tiên phát triển và quảng bá xúc tiến đối với thị trường khách du lịch quốc tế như: Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Hàn Quốc…

Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng gợi ý Hà Giang cần xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm - thị trường và thương hiệu du lịch.

Sớm tổ chức xây dựng chiến lược, các chương trình, kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch làm cơ sở định hướng cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

Trong đó, các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch cần phải được thực hiện trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thị trường, xác định rõ các phân khúc và phân đoạn thị trường ưu tiên theo từng giai đoạn cụ thể, tập trung có tiêu điểm, tránh quảng bá xúc tiến không đúng đối tượng gây lãng phí nguồn lực, kém hiệu quả.

Các chiến dịch, kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch cần được thực hiện theo hướng đặt trọng tâm vào xây dựng thương hiệu du lịch, lấy sản phẩm và thương hiệu du lịch làm đối tượng xúc tiến quảng bá chính.

Phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang nhằm định vị giá trị, hình ảnh và nâng cao sự nhận biết của thị trường đối với các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch Hà Giang trên thị trường trong và ngoài nước.

Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch Hà Giang phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu du lịch quốc gia. Xây dựng hình ảnh đặc trưng của thương hiệu du lịch gắn với các giá trị về lịch sử, danh tiếng và đặc thù chất lượng. Đánh giá, xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu du lịch Hà Giang. Tổ chức quản lý và sử dụng các thương hiệu du lịch cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức phát triển thương hiệu du lịch. Tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến cho các doanh nghiệp, sản phẩm du lịch sử dụng thương hiệu du lịch.

Tập trung huy động các nguồn lực cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch thông qua phát triển quan hệ đối tác. Phát triển quan hệ đối tác, đặc biệt là quan hệ đối tác công - tư là xu thế tất yếu trong công tác xúc tiến du lịch điểm đến hiện nay.

Hà Giang cần chủ động, tích cực tìm kiếm các cơ hội xây dựng quan hệ với các đối tác phát triển du lịch để huy động sự tham gia, đóng góp trong các hoạt động marketing du lịch điểm đến.

Ông Vũ Nam, Khoa Du lịch và Khách sạn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - Chuyên gia dự án du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD) cho rằng, cần định vị thương hiệu du lịch Hà Giang là một điểm đến chất lượng cao, phù hợp với nhiều thị trường khách du lịch mục tiêu trong nước và quốc tế, tập trung chủ yếu vào các giá trị văn hóa, di sản của các đồng bào dân tộc thiểu số và các giá trị, cảnh quan của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Hà Giang định vị thương hiệu điểm đến hàng đầu Việt Nam và quốc tế - ảnh 2

Hà Giang đang khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới

“Hạnh phúc trên đá”

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam gợi ý: “Hà Giang nên lấy slogan “Hạnh phúc trên đá” để xây dựng, định vị thương hiệu cho điểm đến của mình”.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang đã xác định việc xây dựng và định vị thương hiệu du lịch tỉnh là một trong những nội dung quan trọng nhất và giao Sở VHTTDL tham mưu “xây dựng kế hoạch giữ vững thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á, tiến tới những thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế”.

Giá trị cốt lõi của điểm đến được cho là cơ sở quan trọng nhất cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù và tạo nên hình ảnh thương hiệu điểm đến du lịch.

Đối với Hà Giang, các giá trị cốt lõi và nổi bật nhất cho du lịch Hà Giang được xác định là gắn với văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các giá trị mang tầm quốc tế, các giá trị mang ý nghĩa lịch sử, chủ quyền dân tộc và sự hùng vĩ của thiên nhiên.

Các hình ảnh và giá trị nổi bật nhất của điểm đến Hà Giang đang thu hút du khách là: Cao nguyên đá Đồng Văn, phố cổ Đồng Văn; cột cờ Lũng Cú; đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế; ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Dinh thự vua Mèo (Dinh thự họ Vương); con đường hạnh phúc; chợ phiên Hà Giang; Núi đôi và cổng trời Quản Bạ…

“Có thể nói, giá trị cốt lõi của du lịch Hà Giang trong thời gian tới sẽ gắn với các giá trị tiêu biểu của khu vực cao nguyên đá như: Giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực cao nguyên đá (phố cổ Đồng Văn, chợ phiên Hà Giang); các giá trị lịch sử tiêu biểu (con đường Hạnh phúc, cột cờ Lũng Cú) và Di sản thiên nhiên kỳ vĩ (cao nguyên đá, đèo Mã Pì Lèng, núi đôi và cổng trời Quản Bạ).

Đây là các giá trị và hình ảnh chủ đạo trong việc định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang trong thời gian tới”, ông Vũ Nam khẳng định.

Từ góc nhìn một chuyên gia, một nhà kinh doanh thực chiến, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, sự khác biệt của Hà Giang là có cả núi đất (khu vực Hoàng Su Phì) và núi đá (Công viên địa chất) tạo ra cảnh quan hùng vĩ, vẻ đẹp tự nhiên đa dạng.

Điều đặc biệt nữa là Hà Giang có những nét văn hóa dân tộc vùng cao đặc trưng mà không phải vùng nào cũng có được. Do vậy, xây dựng và khai thác thương hiệu trên cơ sở giá trị toàn cầu của di sản địa chất, đi đầu trong phát triển du lịch địa chất một cách chuyên nghiệp, Du lịch Hà Giang sẽ có sự khác biệt.

Những câu chuyện trên cao nguyên đá sẽ góp phần làm thương hiệu Du lịch Hà Giang thêm hấp dẫn và nổi bật. Những người kể chuyện cũng rất quan trọng trong xây dựng và phát triển thương hiệu này.

Du lịch cảnh quan đa dạng trên khu vực rộng lớn, mênh mông, hùng vĩ của Hà Giang đem lại nhiều cảm xúc, tính tò mò và kích thích động cơ quay lại nhiều lần.

Thêm thông điệp về chất lượng và đa dạng dịch vụ chắc hẳn điểm đến du lịch Hà Giang sẽ thuyết phục du khách. Và chúng ta có thể mở ra cánh cửa cho những hành trình du lịch đầy ấn tượng, đáng nhớ cho khách du lịch quốc tế và nội địa. 

Theo baovanhoa.vn

https://baovanhoa.vn/du-lich/ha-giang-dinh-vi-thuong-hieu-diem-den-hang-dau-viet-nam-va-quoc-te-106045.html