Cập nhật: 02/10/2024 08:45:00
Xem cỡ chữ

Thú vui chụp ảnh “tự sướng” ở những nơi nguy hiểm như trên nóc tòa nhà cao tầng, trước bờ vực sâu hun hút hay đoàn tàu đang chạy khiến du khách chấp nhận mạo hiểm, bỏ qua hoặc khinh thường những cảnh báo, dẫn đến nguyên nhân tử vong do tai nạn tăng cao.

Mới đây, ngày 21/9/2024, anh C.Đ.D (25 tuổi, ngụ ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cùng 4 người bạn đến khu vực Bãi Đá Trứng thuộc thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Cả nhóm đứng trên các mỏm đá gần bờ biển để chụp hình. Lúc này, anh Dũng không may trượt chân rơi xuống biển. Nạn nhân không biết bơi nên bị sóng lớn cuốn dẫn đến tử vong.

Trước đó, ngày 16/6/2023, một nhóm du khách đến tắm, chơi tại thác Sao Va, bản Long Quang, xã Tiền Phong (Quế Phong, Nghệ An). Sau khi tắm xong, bà N.T.H.Y. (41 tuổi, trú xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) cùng 2 người bạn ra thác để chụp ảnh. Trong lúc chụp ảnh, không may cả 3 người bị trượt chân xuống vùng nước sâu. Mọi người thấy vậy chạy lại ứng cứu và kéo được 2 người lên. Riêng bà H.Y. bị nước nhấn chìm và tử vong.

Địa phương đã cắm nhiều biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực xảy ra vụ tai nạn nhưng du khách không chú ý, dẫn đến sự việc đau lòng trên. Ngày 10/7/2022, có 3 nữ sinh ngụ xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) rủ nhau lên khu vực cầu Lạc (cầu đường sắt Bắc - Nam) ở xã Tế Nông (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) để chụp ảnh. Do mải mê chơi trên đường ray, khi tàu tới gần, 3 nữ sinh thấy vậy liền tránh vào nơi an toàn. Tuy nhiên, do bỏ quên túi xách, nữ sinh H.N.A. (SN 2006) đã quay lại đường ray lấy túi thì bị đoàn tàu lao tới tông tử vong.

Có thể thấy, một số vụ tai nạn thương tâm khi đi du lịch trong thời gian gần đây là lời cảnh báo đối với những du khách có tâm lý muốn khám phá, chinh phục khi thiếu các kỹ năng cũng như thông tin về điểm đến. Ngoài ra, tình trạng nhiều nhóm người đi tham quan, du lịch tự phát và không có sự giám sát, quản lý đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng một chuyên gia nghiên cứu du lịch thì trước khi chu du tới bất kỳ đâu, du khách cần cân nhắc trang bị đầy đủ kiến thức về nơi mình đến. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thông tin quan trọng về điểm đến trong chuyến hành trình của mình, đặc biệt là những nơi thường xuyên tiềm ẩn những nguy hiểm, để từ đó hạn chế được những rủi ro.

“Khách du lịch, nhất là các bạn trẻ hãy cẩn trọng khi đi tham quan, du lịch, tuân thủ các biển báo cấm, biển báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Du khách cần hạn chế chụp ảnh ở nơi nguy hiểm. Luật giao thông và các quy tắc an toàn ở mỗi nơi là khác nhau, kể cả khi du khách chỉ du lịch trong nước, hiểm họa vẫn luôn rình rập... Nếu du khách thích đi du lịch sông nước, nên đến các khu vui chơi sinh thái - nơi luôn có những người giỏi, giàu kinh nghiệm hướng dẫn - để học và thực hành thành thạo các kỹ năng bơi, lặn”, theo ông Dũng.

Về phía các cơ quan chức năng, các địa phương cần rà soát, cắm biển báo tại những điểm thường xuyên có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; làm rào chắn tại các thác nước, khe suối, mỏm núi chênh vênh… để đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các điểm du lịch mới đảm bảo an toàn cho du khách, vừa tạo cơ hội thay đổi sinh kế, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương.

Theo baophapluat.vn

https://baophapluat.vn/tuan-thu-nguyen-tac-du-lich-an-toan-dieu-can-lam-post527271.html