Những năm gần đây, diễn biến thời tiết ngày càng bất thường và cực đoan. Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Huyện Tam Đảo là địa phương có diện tích rừng, hệ thống suối, luồng tiêu, hồ đập phong phú, địa hình độ dốc cao, nhiều đồi, núi nên khi có mưa lớn dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá, nguy cơ mất an toàn về người và tài sản.
Chỉ tính riêng do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3, đã làm gần 100 hộ dân thuộc xã Bồ Lý, Yên Dương nằm sát sông Phó Đáy phải di dời tài sản và người; nhiều ngầm tràn trên địa bàn đều có nước chảy qua; tuyến quốc lộ 2B từ Km13 lên thị trấn Tam Đảo có nhiều điểm sạt lở gây tắc đường; nhiều cây xanh bị gãy đổ, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập nước… thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các ngành thành viên, các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân; xây dựng kịch bản chủ động ứng phó các tình huống xảy ra. Rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán, di dời các hộ ra khỏi vùng nguy hiểm.
Không chỉ riêng Tam Đảo, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, các ngành, địa phương đã thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ gắn với xây dựng cộng đồng “ba sẵn sàng” phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Các huyện, thành phố đã xây dựng phương án cụ thể để chủ động trong việc chuẩn bị nguồn lực thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” như: Nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm, khu vực an toàn để sơ tán, di dời người dân đến tránh, trú...
Dự báo thời gian tới, tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ động phòng ngừa thiên tai.
Tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, đồng thời, nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi có thiên tai xảy ra từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã, thôn để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Tạ Hương