Cập nhật: 07/10/2024 14:18:00
Xem cỡ chữ

Bắt đầu từ năm 2025, các kỳ thi sẽ được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, đề thi môn Ngữ văn sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nhằm đánh giá năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Điều này, đặt ra đối với các nhà trường phải thay đổi cách dạy, cách học để học sinh đáp ứng được yêu cầu mới.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, giúp học sinh tiếp cận được hình thức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô giáo Hà Thị Liên, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân đã đổi mới phương pháp dạy học giúp các em đáp ứng được yêu cầu về mặt kiến thức, rèn kỹ năng tạo lập văn bản, kỹ năng viết đoạn, biết tạo lập các luận điểm, luận chứng của bản thân trong văn nghị luận. Thay vì dạy “cái” cụ thể cô đã thay bằng dạy “cách” để học sinh có thể tự tin với các ngữ liệu mình chưa từng gặp.

Chủ động cho hình thức thi mới, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân đã tăng cường các hoạt động chuyên môn, yêu cầu tổ chuyên môn Ngữ văn thường xuyên thảo luận, trao đổi đưa ra những phương pháp dạy học tích cực theo đúng định hướng, yêu cầu của chương trình mới.

Không giống như cách dạy trước đây, giáo viên chỉ cần tập trung đi sâu, luyện kĩ một tác phẩm cố định trong sách giáo khoa để học sinh “ghi nhớ”, thực hành, thì hiện nay các giáo viên dạy Ngữ văn ở Trường THCS Tân Lập, huyện Sông Lô chỉ là những người đưa ra vấn đề, định hướng giúp học sinh giải quyết vấn đề; tập trung rèn kỹ năng đọc hiểu theo đặc trưng của thể loại, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình.

Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, các trường học trên địa bàn tỉnh còn chú trọng rèn học sinh thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc, từ đó, giúp các em nâng cao vốn từ, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng viết phục vụ cho học Ngữ văn và hình thành các kỹ năng, năng lực theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Thu Hoài