Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những đổi thay tích cực.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 41 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 4,8% dân số. Toàn tỉnh có 11 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên.
Những năm qua, tỉnh đã thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững. Đồng thời, quan tâm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất thông qua chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.
Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 159 trường hợp với tổng dư nợ 15 tỷ đồng; bố trí 2,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; bố trí 1,6 tỷ đồng cho công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%; đời sống vật chất tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi không ngừng được cải thiện nâng cao, thu dần khoảng cách với so với mặt bằng chung của toàn tỉnh.
Lưu Trường