Nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề sau bão số 3, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp mong muốn chương trình hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh nhanh chóng được triển khai.
Chỉ còn gần 3 tháng nữa để các DN hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2024. Trong giai đoạn nước rút này, cộng đồng DN ở 26 tỉnh, thành phía Bắc đang tập trung năng lực để vừa thúc đẩy sản xuất, vừa khắc phục hậu quả nặng nề của bão số 3 gây ra hồi tháng 9.
Tiến độ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng lớn
Là DN sản xuất linh kiện cơ khí đang tập trung để hoàn thành 4 đơn hàng để bàn giao vào cuối năm nay, tuy nhiên bão số 3 đã làm cho hệ thống nhà xưởng của Công ty Cơ khí SKD Việt Nam thiệt hại nặng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiến độ giao hàng.
“Công ty phải sắp xếp lại các tổ sản xuất để bảo đảm hoạt động được thông suốt. SKD Việt Nam đang phấn đấu để không ảnh hưởng tới tiến độ các đơn hàng và kế hoạch giao hàng đã ký kết với đối tác, nhưng để thực sự hồi phục sẽ phải mất khoảng 1 - 2 tháng nữa”, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc SKD Việt Nam cho biết.
Doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau bão tiếp tục sản xuất
Đợt bão vừa qua, một số nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát ở Hải Dương cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay sau bão, DN đã tích cực xử lý khắc phục với tinh thần chủ động. Theo ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, các chỉ đạo của Thủ tướng rất sát sao và kịp thời, đặc biệt là những chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất, phát triển thị trường là rất cần thiết với các DN.
“Thời gian tới, các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa quá trình tháo gỡ vướng mắc về thể chế; mỗi thứ, mỗi khâu làm nhanh hơn một chút sẽ giúp DN bớt khó khăn đi rất nhiều”, ông Long cho biết.
Bão số 3 hướng thẳng vào Quảng Ninh đã khiến hàng loạt dự án nhà ở của Công ty CP Tập đoàn TASECO bị hư hại. Ông Đỗ Việt Thanh, Phó TGĐ TASECO thông tin, dù có kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhiều tòa nhà ven biển, sử dụng toàn bộ kính chất lượng tốt nhất và đã chuẩn bị kỹ nhất những biện pháp ứng phó để hạn chế sức tàn phá của bão, nhưng thực tế khi cơn bão quét qua tất cả đã bằng 0.
Chính vì thế hiện nay, các khách hàng mua nhà của TASECO đang mong mỏi từng ngày nhận được hỗ trợ từ phía ngân hàng. Ông Thanh cho biết, DN đã gửi văn bản đến 35 chi nhánh ngân hàng đề xuất được miễn giảm lãi vay cho khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, sau 20 ngày mới có 1 chi nhánh ngân hàng phản hồi sẽ hỗ trợ, còn các chi nhánh ngân hàng khác nói đang xin ý kiến hoặc không giảm lãi vay…
Về bồi thường bảo hiểm, ông Thanh khẳng định còn gặp nhiều khó khăn khi DN đã có văn bản gửi bên bảo hiểm cho nhân viên xuống kiểm tra, thẩm định và làm thủ tục. Nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình thẩm định thiệt hại khiến DN chưa nhận được bồi thường làm chậm hồi phục sau bão.
“Thiệt hại trước mắt của DN lên tới hàng trăm tỉ đồng. Nếu thời gian hoạt động trở lại chậm, DN sẽ mất cơ hội, dòng tiền và chi phí nhân công. DN mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân thương mại hàng nhanh chóng hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng của bão”, ông Thanh bày tỏ.
Nhiều DN gặp khó khăn khi cần vay vốn cho sản xuất sau bão số 3
Nguồn vốn vẫn là nhu cầu cấp thiết
Ngay sau bão số 3, để khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả và yêu cầu rà soát, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp. Không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa...
Thủ tướng giao Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các DN, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy mạnh tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm và tiêu dùng; khai thác tối đa các thị trường truyền thống và tiếp tục khai mở thị trường mới theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Theo đề xuất và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ DN của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các cấp các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ DN và người sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bão số 3, nhất là các cơ chế hỗ trợ về khoanh, hoãn, giãn nợ và cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Hoãn, giảm, giãn nộp thuế cũng như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các địa phương để sớm phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh cho DN, qua đó tạo việc làm và sinh kế cho người dân.
Các DN cần thêm nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc ngành ngân hàng chủ động triển khai các chương trình hỗ trợ DN, người dân khắc phục thiệt hại sau bão cần rút gọn hơn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài giải pháp miễn, giảm, hoãn trả nợ cho DN, cần có gói hỗ trợ chuyên biệt cho phòng, chống thiên tai.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc các ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách giãn nợ, hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ xấu đối với các DN bị thiệt hại do bão, giúp các DN có thêm nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất, không áp lực trả nợ ngay lập tức là rất cần thiết. Các chính sách hỗ trợ phải được tính toán làm sao nhanh và hiệu quả hơn để giúp DN sớm phục hồi.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-van-ngong-chuong-trinh-ho-tro-khoi-phuc-san-xuat-sau-bao-so-3-post1127480.vov