Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã đề xuất UBND tỉnh Bình Định cho phép Công ty cổ phần Viễn thông Năng lượng TCOMIE triển khai thí điểm nhật ký khai thác điện tử, báo cáo khai thác thủy sản có thu phí cho 1.000 tàu cá của tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho hay, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc thí điểm, tỉnh đề nghị phía công ty phải có giải pháp về quản lý thiết bị (điện thoại thông minh) để kiểm soát được tính chính xác của nhật ký khai thác điện tử, tránh trường hợp gửi thiết bị (điện thoại cho tàu cá khác).
Cũng theo ông Phúc, công ty cũng nên tính toán về việc giảm giá gói cước dịch vụ thuê bao hàng tháng để giảm bớt chi phí cho ngư dân, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện chủ trương này.
Trước đó, từ tháng 6 - 8/2024, Công ty cổ phần Viễn thông Năng lượng TCOMIE đã đăng ký thực hiện thí điểm nhật ký khai thác điện tử thuộc hệ thống “Hải trình tàu thuyền” cho 36 tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Định. Thiết bị được thí điểm cài đặt trên điện thoại thông minh (cả hệ điều hành Android và IOS) của ngư dân (chủ tàu/thuyền trưởng), đáp ứng được nhu cầu của ngư dân.
Ngoài ra, hệ thống còn chứng minh tính ứng dụng cao khi cung cấp đầy đủ thông tin về nhóm loài/loài thủy sản theo nghề, theo ngư trường; thống kê đầy đủ sản lượng đánh bắt từng loài và tổng sản lượng khai thác của một chuyến biển. Nhờ đó, ngư dân chỉ cần thao tác chọn và nhập sản lượng theo loài thủy sản khai thác được; đồng thời, giúp giảm tối đa chi phí đầu tư cho các chủ tàu.
Từ tháng 3 - 8/2024, Công ty Công nghệ SmartRF Việt Nam (đơn vị trúng thầu) cũng đã triển khai thí điểm xong 4 chuyến biển cho 100 tàu cá của tỉnh lắp đặt thiết bị ứng dụng phần mềm nhật ký khai thác điện tử và đạt được kết quả tương tự.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy Bình Định đã ra thông báo số 1592-TB/TU yêu cầu các sở ngành, đơn vị có liên quan cần khẩn trương triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong quản lý khai thác thủy sản, nhất là thực hiện nhật ký khai thác điện tử, truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT.
Thực tế cho thấy rằng, ghi nhật ký khai thác bằng điện tử rất thuận tiện, ngư dân sẽ tiết kiệm nhiều thời gian hơn so với ghi chép bằng giấy và thực hiện truy xuất lại khi có yêu cầu; sản lượng thủy sản khai thác bằng điện tử được ghi ngay tại thời điểm khi đang khai thác, giảm sự sai lệch giữa sản lượng đánh bắt và sản lượng khai báo; giúp chuyển dữ liệu chính xác, nhanh chóng về cơ quan quản lý, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đáp ứng yêu cầu về khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và góp phần tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng".
Theo Lê Phước Ngọc (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te-bien-dao/thi-diem-nhat-ky-khai-thac-dien-tu-co-thu-phi-cho-1000-tau-ca-20241010115537738.htm