Môt tiểu hành tinh đã bị lực hút của Trái Đất giữ lại và trở thành Mặt Trăng thứ hai, tuy nhiên, Mặt Trăng nhỏ này chỉ làm bạn với Trái Đất một thời gian trước khi tiếp tục du hành trong vũ trụ.
Khi bay qua Trái Đất vào ngày 29/9, một tiểu hành tinh đã bị lực hấp dẫn giữ lại, và trở thành vệ tinh tự nhiên thứ hai bay xung quanh Trái Đất.
Tiểu hành tinh này có tên gọi 2024 PT5 với kích thước bằng một chiếc xe buýt có chiều dài 10m. "Mặt Trăng" nhỏ này sẽ quay quanh Trái Đất trong khoảng 57 ngày và sẽ tách khỏi Trái Đất vào ngày 25/11 để tiếp tục quỹ đạo trong vũ trụ.
Mặc dù 2024 PT5 đáng chú ý ở cả hai khía cạnh (có kích thước lớn hơn một chút và tồn tại lâu hơn trên quỹ đạo Trái Đất so với các vật thể khác), thời gian bay quanh Trái Đất của 2024 PT5 sẽ chỉ như một sự kiện nhỏ trong vòng đời của hành tinh chúng ta.
Định nghĩa về Mặt Trăng
Các tiểu hành tinh luôn lặng lẽ lướt qua Trái Đất. Hầu hết các vật thể nhỏ này đi vào và rời khỏi quỹ đạo Trái Đất mà không gây ra nhiều ảnh hưởng, trong khi những vật thể lớn có xu hướng chỉ xuất hiện một lần trong vài triệu năm.
Giống như hầu hết các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời, các tiểu hành tinh được đẩy qua không gian bởi lực hấp dẫn của Mặt Trời.
Mặc dù 2024 PT5 rất nhỏ, nhưng đó không phải là lý do nó không thực sự được coi là một "Mặt Trăng." Bất kể khối lượng, thành phần hay hình dạng của tiểu hành tinh, việc nó có thể được tuyên bố là "Mặt Trăng" phụ thuộc vào việc nó có bắt đầu quay quanh một hành tinh khác hay không.
Ví dụ, Mặt Trăng bay theo quỹ đạo hình elip quanh Trái Đất, mất khoảng một tháng để hoàn thành một vòng quay. Trong chu kỳ này, lực hấp dẫn của Mặt Trăng tác động tới Trái Đất, dịch chuyển khối lượng Trái Đất và làm biến dạng hình dạng trông giống quả bóng bầu dục.
Quá trình này ảnh hưởng đến sự hình thành thủy triều và có tác động đáng kể đối với sự sống trên Trái Đất, như hỗ trợ hệ sinh thái biển và chu kỳ sinh sản của nhiều loài động vật biển. Ngược lại, 2024 PT5 sẽ không tồn tại đủ lâu để gây ra nhiều tác động như vậy.
Hé mở tầm quan trọng của nghiên cứu PT5 2024
Theo các nhà thiên văn học, Trái Đất sẽ không sớm có thêm một vệ tinh tự nhiên nào lớn hoặc quan trọng như Mặt Trăng.
Nếu ở cấu hình ổn định, việc có hai Mặt Trăng có kích thước tương đương cũng sẽ thay đổi hoàn toàn thủy triều của đại dương cũng như có khả năng thay đổi những gì các nhà khoa học biết về lịch sử thiên văn học, bao gồm cả cách những Mặt Trăng đó hình thành. Nhưng một lần nữa, điều đó gần như chắc chắn sẽ không xảy ra sớm.
Về lâu dài, Mặt Trăng vẫn là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. (Nguồn: NASA)
Vậy tại sao 2024 PT5 lại nhận được nhiều sự chú ý? Ông Andrew Rivkin, nhà thiên văn học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins, Mỹ, cho biết sự xuất hiện của tiểu hành tinh này đánh dấu một trong những lần đầu tiên các nhà khoa học có thể dự đoán trước sự hiện diện của một "Mặt Trăng" nhỏ.
Rivkin là trưởng nhóm nghiên cứu trong nhiệm vụ Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) gần đây của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) - dự án thử nghiệm để chứng minh công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh như một phần trong tham vọng lớn hơn của nhân loại nhằm bảo vệ Trái Đất. DART cho thấy lần đầu tiên một công nghệ do con người tạo ra có thể thay đổi vị trí của một vật thể trong vũ trụ.
Theo tính toán của các nhà thiên văn học, một trong những vật thể lớn nhất có khả năng bay gần Trái Đất là tiểu hành tinh rộng 305m có tên gọi Apophis, dự kiến sẽ bay qua Trái Đất vào tháng 4/2029.
Có rất ít khả năng tiểu hành tinh này sẽ bị hút vào quỹ đạo Trái Đất vì nó sẽ bay qua hành tinh của chúng ta quá nhanh, nhưng ở khoảng cách cực gần, chỉ bẳng 1/10 khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng, đủ để người dân trên Trái Đất có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tuy nhiên, trong khi chuyến viếng thăm của Apophis có thể khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi hơn một chút so với 2024 PT5, đây chắc chắn sẽ là một sự kiện hấp dẫn đối với các nhà thiên văn học./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhung-dieu-ly-thu-ve-mat-trang-thu-hai-dang-bay-xung-quanh-trai-dat-post983313.vnp