Sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch ”Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” đang được Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với địa phương, doanh nghiệp triển khai xây dựng tại các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.
Tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội" gồm 2 tuyến Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức và tuyến Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên. Vừa qua, huyện Thường Tín ra mắt chương trình du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái", tạo thêm điểm nhấn trong sản phẩm du lịch làng nghề phía Nam Hà Nội. Chương trình du lịch này tập trung vào giới thiệu những giá trị độc đáo của hai nghề làm sơn mài và làm đồ mã ở thôn Hạ Thái và thôn Phúc Am, xã Duyên Thái.
Nghề làm đồ mã tại thôn Phúc Am, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái, các hoạt động du lịch đang được khai thác gắn với nét văn hóa và nghề truyền thống tại địa phương: "Nghề sơn mài Hạ Thái đã có truyền thống hàng trăm năm, đến nay người dân vẫn tâm huyết với nghề, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài và cũng thu hút khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Nghề thủ công tại Phúc Am cũng có từ xa xưa. Đến nay các nghệ nhân và người dân nâng cao tay nghề, tạo ra nhiều sản phẩm vừa phục vụ nhu cầu thị trường, vừa gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Những yếu tố này khi kết hợp với du lịch sẽ giúp nâng tầm làng nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với du lịch để nâng cao đời sống cho người dân địa phương".
Cũng như tại nhiều địa phương khác, yếu tố quan trọng khi phát triển du lịch làng nghề tại xã Duyên Thái là sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở, hộ dân làm nghề, sao cho các trải nghiệm và sản phẩm tại làng nghề được thiết kế phù hợp với sở thích, nhu cầu của khách du lịch. Qua đó, du lịch được khai thác đúng hướng bảo tồn và phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Tương tác với người dân làm nghề là hoạt động giúp gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Ông Tạ Anh Dũng - Giám đốc bán hàng tại cơ sở Sơn Mài Phúc Cường (xã Duyên Thái) cho biết đơn vị đã tham khảo tư vấn của doanh nghiệp lữ hành, từ đó điều chỉnh một số hoạt động bán sỉ sang bán lẻ phục vụ khách du lịch. "Trước đây cơ sở tập trung xuất khẩu, tuy nhiên khi bắt đầu đón khách du lịch, chúng tôi đã điều chỉnh sản phẩm sao cho nhỏ gọn, phù hợp để khách mang về. Đó là những bức tranh nhỏ đặc trưng về Hà Nội hay khung cảnh làng quê Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi hướng dẫn khách tìm hiểu, trải nghiệm về sơn mài ngay tại cơ sở. Các công ty lữ hành có sự tổ chức bài bản, giúp cơ sở chuẩn bị chu đáo hơn, lượng khách đều hơn, từ đó du khách được phục vụ tốt hơn và ấn tượng hơn".
Cũng theo ông Dũng, thúc đẩy du lịch làng nghề không mang lại lợi ích cho riêng cơ sở sản xuất nào, mà sẽ tạo ra sự bền vững lâu dài, giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thêm thu nhập cho cả cộng đồng địa phương. Xa hơn là giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, có chỗ đứng trên thị trường và góp phần giữ gìn nét văn hóa cũng như nghề truyền thống.
Các sản phẩm quà tặng cần được thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với khách du lịch
Mở rộng các tour du lịch làng nghề
Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 nêu rõ quan điểm bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ giữ gìn cảnh quan nông thôn của làng nghề, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - ông Trần Trung Hiếu cho biết hiện nay, Sở đang xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch làng nghề phía Nam Hà Nội tại các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên năm 2024 và sẽ tiếp tục mở rộng ở các huyện khác. "Các điểm đến tại huyện Thường Tín như làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề thủ công Phúc Am là sự gợi mở để doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tô điểm thêm vào bức tranh chung của du lịch Hà Nội".
Du khách trải nghiệm một công đoạn trong làm tranh sơn mài.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, các chương trình du lịch làng nghề như tour "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" không chỉ là dịp để các làng nghề quảng bá sản phẩm, mà còn là cơ hội để thắt chặt thêm tình đoàn kết, phát triển kinh tế bền vững dựa trên các giá trị văn hóa và nghệ thuật.
"Ngoài ra, còn nhiều việc phải làm để gắn nghề với dịch vụ du lịch như đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng bãi đỗ xe, cảnh quan, lưu trú homestay, nhà hàng, xưởng sản xuất và trải nghiệm du lịch, cửa hàng lưu niệm, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ... Đặc biệt cần quan tâm sâu sắc đến phát triển du lịch bền vững, trong đó bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn. Du lịch tạo thêm việc làm và thu nhập, những tinh hoa của các làng nghề sẽ được bảo tồn và phát huy, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh một địa phương không chỉ giàu đẹp về kinh tế mà còn sâu sắc về văn hóa", ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Theo Hải Nam/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/nang-cap-tuyen-du-lich-lang-nghe-phia-nam-ha-noi-post1127109.vov