Cập nhật: 18/10/2024 10:47:00
Xem cỡ chữ

Không có kiến thức về robot nhưng Đào Hiểu Phong đã tự mày mò học hỏi để cùng các bạn sáng chế ra robot phân loại rác thải ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Phong nhận học bổng toàn phần từ Trường Đại học RMIT Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phong nhận học bổng toàn phần từ Trường Đại học RMIT Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với sáng chế robot Otto sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân loại rác khi học phổ thông tại Trường Quốc tế Úc, Đào Hiểu Phong vừa trở thành một trong 7 chủ nhân học bổng toàn phần của Đại học RMIT năm 2024.

Chia sẻ về việc thiết kế Otto, Phong cho hay dù nhà trường đã có nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức nhưng nhiều học sinh vẫn tiếp tục sử dụng sai thùng phân loại rác. Vì vậy, Phong cho rằng cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo, hấp dẫn và hiệu quả hơn để xây dựng thói quen phân loại rác trong toàn trường. Và đó cũng là khởi nguồn sự ra đời của dự án Otto: một con robot gắn vào thùng phân loại, có khả năng tự động mở đúng nắp thùng tương ứng sau khi xác định được loại rác. Dự án nhằm cải thiện tình hình quản lý rác thải và lan tỏa lối sống bền vững, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sống ngay từ trong cộng đồng Trường Quốc tế Úc.

Với tư cách là người sáng lập dự án, nhiệm vụ của Phong là phát triển mô hình đầu tiên có đầy đủ chức năng. Phong cho hay đây là một thách thức lớn khi em chưa có kinh nghiệm về robot và học máy trong khi phải thiết kế và chế tạo robot từ A đến Z.

Hình 1 (lựa chọn 1).jpg

Phong thuyết trình về robot Otto. (Ảnh: NTCC)

Mày mò tự học, Phong biến phòng ngủ của mình trở thành phòng thí nghiệm kỹ thuật. Trong tuần đầu tiên, cậu đã chế tạo hàng chục mạch điện và khiến phòng ngủ vô cùng bừa bộn. Sau một tháng, Phong và cả nhóm lắp ráp được phiên bản đầu tiên của Otto nhưng nhận thấy vẫn cần cải tiến, nhóm lại tiếp tục mày mò.

Sau nhiều lần kiên trì, nỗ lực nâng cấp phiên bản Otto, Phong và đồng đội đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình hiện tại đã có thể tự chạy trong thời gian dài và hiện đang được lắp đặt thử nghiệm tại cơ sở Ba Tháng Hai của Trường Quốc tế Úc. Sắp tới, Otto sẽ được triển khai trên toàn hệ thống.

Đào Hiểu Phong còn là một học sinh xuất sắc, có thành tích cao trong học tập. Trong ba năm học trung học phổ thông, Phong luôn duy trì thành tích học tập xuất sắc với điểm trung bình trên 9,7 và từng đạt bảy điểm A* (điểm tuyệt đối) trong kỳ thi chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông quốc tế Cambridge IGCSE.

Hình 3.jpeg

Phong (đứng giữa) chơi đàn trong ban nhạc. (Ảnh: NTCC)

Nam sinh còn được biết đến là thành viên của ban nhạc trường trong sáu năm liền. Phong từng chơi guitar và bass trong nhiều sự kiện âm nhạc. Đam mê nhạc jazz, Phong cho hay từng dành nhiều ngày nghiên cứu các bản nhạc jazz để cố gắng hoàn thiện phần chơi bass của mình trong ban nhạc trường. Phong cho hay việc tham gia ban nhạc cũng là cách xây dựng tính kỷ luật, sự khiêm tốn và trau dồi khả năng lãnh đạo.

Chia sẻ về dự định tại Trường Đại học RMIT, Phong cho hay em chọn theo học ngành Cử nhân Công nghệ thông tin với các môn tự chọn về AI vì cảm thấy hạnh phúc khi có thể tự tạo ra thứ gì đó từ công nghệ. “Em tin rằng công nghệ là chìa khóa cho sự sáng tạo", Phong chia sẻ. Phong cũng lên kế hoạch tham gia các câu lạc bộ sinh viên, thể thao và cuộc thi khác nhau để được thực sự đắm mình trong cuộc sống sinh viên.

“Em luôn mơ ước trở thành một nhà phát minh vĩ đại. Muốn phát minh, mình phải hình dung ra tương lai và dám đi đến nơi chưa ai từng đến. Không có thời điểm nào tốt hơn để theo đuổi ước mơ của mình hơn là bây giờ,” Phong nói./.

Theo (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/sang-che-robot-phan-loai-rac-nam-sinh-gianh-hoc-bong-toan-phan-dai-hoc-rmit-post985846.vnp