Cập nhật: 23/10/2024 17:30:00
Xem cỡ chữ

Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ X (2024 - 2025)

Điều l. Mục đích, ý nghĩa

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ X (2024 - 2025) gọi tắt là Hội thi, được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục, thúc đẩy áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tuyển chọn các giải pháp đạt giải cao tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 18 (2024 - 2025).

Điều 2. Cơ quan tổ chức Hội thi

Đơn vị đồng tổ chức: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Phúc, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là cơ quan Thường trực tổ chức Hội thi.

Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính; Sở Nội vụ; Đảng ủy khối Doanh nghiệp; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Vĩnh Phúc và các sở, ban, ngành liên quan.

Điều 3. Lĩnh vực thi

Tất cả các giải pháp sáng tạo kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống, kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng đăng ký theo 6 lĩnh vực sau:

1. Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông;

2. Cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải;

3. Vật liệu, hóa chất, năng lượng;

4. Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường;

5. Y dược;

6. Giáo dục và Đào tạo.

Điều 4. Đối tượng dự thi

l. Công dân là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài, đang sinh sống, lao động, học tập tại Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp có các giải pháp kỹ thuật là kết quả của hoạt động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến công nghệ được áp dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt hiệu quả rõ rệt từ năm 2019 trở lại đây đều có quyền tham gia Hội thi.

2. Các tổ chức đã đầu tư để tạo ra giải pháp kỹ thuật áp dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều có quyền đứng tên tham gia Hội thi. Trong trường hợp này, những người trực tiếp tham gia sáng tạo ra giải pháp kỹ thuật được tổ chức đứng tên dự thi đăng ký là tác giả hoặc nhóm tác giả của giải pháp kỹ thuật dự thi đó.

Điều 5. Điều kiện dự thi

1. Các giải pháp, công trình đã đạt giải Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc và các Hội thi STKT tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức trước đây không được tham gia Hội thi.

2. Các thành viên Ban Tổ chức, Ban Thư ký và Hội đồng Giám khảo Hội thi không được đứng tên tham gia đăng ký dự thi.

Điều 6. Tiêu chuẩn đánh giá giải pháp dự thi

1. Có tính mới, sáng tạo so với các giải pháp đã có ở Vĩnh Phúc: Giải pháp dự thi không trùng với giải pháp đã được công bố trong bất kỳ nguồn tài liệu nào có ở Việt Nam và ở Vĩnh Phúc hoặc đã được áp dụng ở tỉnh Vĩnh Phúc và Việt Nam trước ngày nộp hồ sơ.

2. Có khả năng áp dụng rộng rãi: Giải pháp dự thi đã được thử nghiệm, sản xuất thử và được chứng minh khả năng áp dụng hoặc đã được áp dụng có hiệu quả ở tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Có hiệu quả kinh tế - xã hội: Giải pháp mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cao hơn so với những giải pháp tương tự đã có ở Việt Nam, ở Vĩnh Phúc, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội.

Điều 7. Hồ sơ dự thi (trình bày trên khổ giấy A4)

Hồ sơ dự thi được làm thành 03 bộ, mỗi bộ hồ sơ bao gồm: Phiếu đăng ký dự thi; Bản mô tả giải pháp dự thi và Bản toàn văn giải pháp dự thi thuộc các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật nêu tại Điều 3 Thể lệ này. Đối với giải pháp dự thi của người nước ngoài Hồ sơ dự thi phải có bản dịch ra tiếng Việt.

1. Phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu) gồm các nội dung sau:

- Họ và tên người dự thi hoặc tên tổ chức dự thi;

- Địa chỉ nơi làm việc hoặc nơi cư trú;

- Điện thoại liên hệ;

- Nghề nghiệp của tác giả hoặc nhóm tác giả (ghi riêng từng cá nhân);

- Tên giải pháp dự thi;

- Lĩnh vực dự thi;

- Thời điểm tạo ra giải pháp (ghi ngày, tháng, năm);

- Đơn vị đã áp dụng giải pháp;

- Danh sách chủ nhiệm và các thành viên, kèm theo văn bản thỏa thuận của các đồng tác giả về tỷ lệ phần trăm đóng góp và ủy quyền cho 01 (một) người đứng ra làm đại diện dự thi nếu giải pháp do nhóm tác giả tạo ra;

- Cam đoan của người dự thi về những điều ghi trong hồ sơ là đúng sự thật;

- Xác nhận của cơ quan, đơn vị hoặc xác nhận của địa phương nơi tác giả cư trú.

2. Bản mô tả giải pháp dự thi:

- Tên giải pháp dự thi (ghi như tên đăng ký trong phiếu đăng ký dự thi);

- Mô tả giải pháp kỹ thuật đã biết (nếu có). Phần này, mô tả ngắn gọn các giải pháp kỹ thuật đã biết trước ngày tạo ra giải pháp dự thi, đặc biệt cần nêu rõ những nhược điểm, hạn chế cần khắc phục của giải pháp đó;

- Mô tả giải pháp dự thi, thuyết minh tính mới, tính sáng tạo của giải pháp dự thi, mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ và rõ ràng toàn bộ nội dung của giải pháp dự thi. Đặc biệt, cần nêu rõ đã khắc phục những nhược điểm, hạn chế nào, sáng kiến cải tiến những chỉ tiêu nào của giải pháp kỹ thuật đã biết (nếu có), hoặc những sáng tạo hoàn toàn mới;

Khả năng áp dụng được chứng minh thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng sản xuất thử, hợp đồng bán hàng hoặc hóa đơn bán hàng;

Hiệu quả kinh tế của giải pháp dự thi là lợi ích trực tiếp có thể thu được do áp dụng giải pháp mới vào sản xuất. Có bản tính toán kinh tế so với giải pháp cũ hoặc so với các giải pháp tương tự đã biết ở Việt Nam, ở Vĩnh Phúc;

Hiệu quả kỹ thuật thể hiện bằng những chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến bộ hơn so với kỹ thuật đã biết trước đó;

Hiệu quả xã hội như cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Cải thiện điều kiện làm việc, an toàn lao động, tạo thêm việc làm xã hội...

3. Toàn văn giải pháp dự thi: Cần nêu cụ thể quá trình từ khi bắt đầu thực hiện đến khi hoàn thành giải pháp. Tác giả có thể gửi kèm theo mô hình, sản phẩm chế thử, sơ đồ công nghệ, các bản vẽ, hình ảnh, các tính toán minh họa.

4. Các tài liệu khác (nếu có).

Tất cả các giải pháp có mô hình dự thi khuyến khích quay 1 video clip ghi lại quá trình thực hiện giải pháp dự thi và gửi về Ban Tổ chức Hội thi cùng với hồ sơ dự thi.

Điều 8. Nộp, nhận hồ sơ dự thi

1. Hồ sơ dự thi gửi trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện tới Thường trực Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc theo địa chỉ:

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc

Số 579 Đường Nguyễn Tất Thành, P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: Văn phòng: 0211 3.844.679; 0987 743 199 (Đ/c Dung); 0913794134 (Đ/c Hân)

2. Thời hạn nhận hồ sơ, chấm giải, xét duyệt và trao giải Hội thi:

- Thời hạn nhận hồ sơ dự thi được bắt đầu từ khi công bố Thể lệ Hội thi đến hết ngày 15/6/2025.

- Đánh giá, chấm giải hồ sơ dự thi trong tháng 8 năm 2025.

- Công bố kết quả trong tháng 10 năm 2025.

- Lễ tổng kết trao giải quý IV năm 2025.

3. Hồ sơ dự thi sẽ không được trả lại. Riêng sản phẩm hoặc mô hình được trả lại trong thời gian 3 tháng kể từ sau ngày trao giải Hội thi nếu người dự thi yêu cầu. Trong trường hợp sản phẩm được gửi tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc thì việc trả lại sản phẩm theo qui định của Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc. Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh sẽ thông báo cho tác giả có sản phẩm, mô hình.

Điều 9. Đánh giá giải pháp dự thi

1. Hội đồng Giám khảo do Ban Tổ chức Hội thi thành lập. Việc đánh giá được thực hiện bằng cách cho điểm từng tiêu chuẩn theo thang điểm do Ban Tổ chức Hội thi quy định với thang điểm 100, gồm:

- Tính mới, tính sáng tạo, điểm tối đa 30 điểm.

- Khả năng áp dụng rộng rãi, điểm tối đa 30 điểm.

- Hiệu quả kinh tế - kỹ thuật - xã hội, điểm tối đa 40 điểm.

2. Tổ chức chấm và xét giải: Được thực hiện qua 02 vòng thi:

Vòng 1: Chấm sơ khảo

Ban Thư ký, Tổ tư vấn phục vụ Hội đồng Giám khảo phân loại, rà soát hồ sơ, đảm bảo điều kiện dự thi về nội dung và hình thức theo hồ sơ hướng dẫn và Thể lệ hội thi

Vòng 2: Chấm chung khảo

Hội đồng Giám khảo tổ chức chấm giải pháp trên cơ sở hồ sơ đã được rà soát từ vòng sơ khảo.

3. Gửi hồ sơ các giải pháp tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 18 (2024-2025):

- Trên cơ sở kết quả chấm điểm các giải pháp ở vòng chung khảo, Ban Tổ chức đánh giá lựa chọn các giải pháp gửi dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc theo quy định, đảm bảo tính khoa học, tính khách quan và tính thực tiễn và tính hiệu quả.

Điều 10. Cơ cấu giải thưởng:

1. Cơ cấu giải thưởng Hội thi lần thứ X (2024-2025):

+ Giải Nhất (06 giải), được tặng 01 biểu trưng của BTC Hội thi và giải thưởng trị giá 30.000.000 đồng

+ Giải Nhì (12 giải), mỗi giải được tặng 01 biểu trưng của BTC Hội thi và giải thưởng trị giá 20.000.000 đồng.

+ Giải Ba (18 giải), mỗi giải được tặng 01 biểu trưng của BTC Hội thi và giải thưởng trị giá 15.000.000 đồng.

+ Giải Khuyến khích (24 giải), mỗi giải được tặng 01 biểu trưng của BTC Hội thi và giải thưởng trị giá 5.000.000 đồng.

2. Các cơ quan đồng tổ chức, các đơn vị có liên quan xem xét khen thưởng, động viên theo quy định của ngành.

3. Các giải pháp tham gia Hội thi sẽ được xem xét, đề xuất tham gia Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc” do tỉnh tổ chức.

Ban Tổ chức sẽ trao Giấy chứng nhận cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải (giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích) Hội thi và cho các tác giả tham gia Hội thi không đạt giải khi có yêu cầu. Giải thưởng được trao theo các lĩnh vực dự thi.

Điều 11. Ban Tổ chức, Ban Thư ký, Hội đồng Giám khảo

1. Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ X (2024 - 2025) do UBND tỉnh quyết định thành lập gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Sở Khoa học - Công nghệ; Liên đoàn Lao động tỉnh; Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và lãnh đạo một một số sở, ban, ngành liên quan. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là cơ quan Thường trực.

Ban Tổ chức Hội thi ra Quyết định thành lập Ban Thư ký, Hội đồng Giám khảo, ban hành Thể lệ Hội thi và quy định về chấm điểm, đánh giá các giải pháp dự thi.

2. Ban Thư ký Hội thi giúp Ban Tổ chức triển khai các hoạt động của Hội thi.

3. Hội đồng Giám khảo gồm các chuyên gia, các Nhà khoa học và cán bộ có chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn thuộc các lĩnh vực dự thi giúp Ban Tổ chức Hội thi trong việc xem xét, chấm thi, đánh giá và xếp loại các giải pháp dự thi.

Điều 12. Nguồn kinh phí

1. Kinh phí dành cho tổ chức Hội thi được lấy từ các nguồn sau:

- Ngân sánh Nhà nước do UBND tỉnh cấp;

- Tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân (nếu có).

2. Kinh phí Hội thi được chi cho các nội dung sau:

- Chi thưởng cho các giải pháp dự thi đạt giải;

- Chi khác để tổ chức triển khai Hội thi.

Điều 13. Bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ

Việc tham gia Hội thi không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ.

Khi nhận thấy giải pháp đạt giải cần được bảo hộ (quyền tác giả, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp....), Ban Tổ chức Hội thi sẽ hướng dẫn cho tác giả lập hồ sơ đăng ký bảo hộ gửi về Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định.

Điều 14. Khiếu nại, tố cáo

Việc khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan Hội thi, Ban tổ chức có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

Điều 15. Điều khoản thi hành

Thể lệ này có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Ban Thư ký Hội thi tổng hợp và trình Ban Tổ chức Hội thi xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

NS

Tệp đính kèm