Khi giao mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh và xâm nhập vào hệ hô hấp trong đó có viêm phổi ở người cao tuổi. Hơn nữa, do người cao tuổi có sức đề kháng yếu và các chức năng trong cơ thể đều suy giảm nên dễ khiến mầm bệnh tấn công hơn.
Viêm phổi ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân, có thể do vi khuẩn, virus, nấm hoặc do ô nhiễm không khí, khói thuốc, hoặc ít vận động do nằm lâu, nhiều trường hợp chỉ cần viêm họng sau đó cũng dễ bị viêm phổi.
Về lâm sàng, viêm phổi ở người cao tuổi khác người trẻ, nhiều trường hợp sốt nhẹ hoặc không sốt, ho nhiều và khó thở tăng, đôi lúc ho ra máu, có dấu hiệu mất nước rõ. Ngoài ra, còn xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu, ra nhiều mồ hôi, da tái nhợt, ăn không ngon miệng, mệt mỏi. Chỉ cần chụp X-quang và cấy đàm là tìm ra nguyên nhân.
Chính vì vậy, khi người cao tuổi nghi ngờ bị viêm phổi, cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt bởi vì nếu để muộn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh không những không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Cách chăm sóc người cao tuổi mắc viêm phổi tại nhà
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đối với trường hợp điều trị ngoại trú người bệnh cần phải chú ý những điều sau:
1. Uống thuốc theo đơn. Người cao tuổi cần chú ý luôn uống đúng và đủ các loại thuốc bác sĩ đã kê. Không tự ý đổi thuốc, dừng uống thuốc... vì khi chưa hết đơn thuốc chỉ định có thể thể làm vi khuẩn tiếp tục sinh sôi và bệnh viêm phổi sẽ quay lại.
2. Cần theo dõi sát. Tại nhà việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng người thân cần thường xuyên chú ý quan sát và theo dõi thể trạng người bệnh, tình trạng tinh thần. Chú ý tới các dấu hiệu nhiễm khuẩn như: môi khô, lưỡi dơ, mắt trũng, sốt. Khó thở có thể xuất hiện sau vài giờ, tím môi tùy thuộc vào mức độ bệnh, khó thở có thể nặng và diễn tiến xấu.
Viêm phổi ở người cao tuổi khác người trẻ, nhiều trường hợp sốt nhẹ hoặc không sốt, ho nhiều.
3. Người bệnh cần phải tăng cường bù nước. Khi mắc viêm phổi việc bù nước để lưu thông đường thở cho người bệnh rất quan trọng. Người cao tuổi cần uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để làm loãng đờm và dễ long đờm, uống nhiều nước còn bù lại lượng nước mất do sốt, thở nhanh. Có thể bổ sung nước ép trái cây hoặc sinh tố trái cây cho người bệnh.
4. Cần lưu thông đường thở. Điều quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân viêm phổi là cần phải tăng cường lưu thông đường thở cho bệnh nhân. Sự tiết dịch ở đường thở làm cản trở trao đổi, tăng nhiễm bẩn đường thở và chậm quá trình khỏi bệnh.
Chú ý làm ẩm và nóng không khí hít vào cũng làm loãng đờm và dễ long đờm. Bệnh nhân có thể đeo khẩu trang, hít vào bằng đường mũi rồi thở ra qua miệng, môi khép kín.
5. Cần thay đổi tư thế nếu có thể. Khi ho, người bệnh nên ho ở tư thế ngồi và hơi cúi về phía trước. Đầu gối và hông ở tư thế gấp để cơ bụng mềm và ít căng cơ bụng khi ho. Hít vào chậm qua mũi thở ra qua môi mím. Tránh quá sức khi ho sẽ gây tổn thương cho phổi.
Nên để bệnh nhân bị viêm phổi nằm nghỉ trên giường bệnh để giảm tiêu hao năng lượng, thay đổi tư thế thường xuyên. Để bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều. Cẩn thận với tình trạng bệnh ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn, bởi vì viêm phổi có thể tái phát.
Phòng ngừa viêm phổi ở người cao tuổi
Ở người cao tuổi sức khỏe và hệ miễn dịch suy yếu làm cho sức đề kháng bị giảm đi. Viêm nhiễm đường hô hấp cấp hay bệnh cúm ở người cao tuổi có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa hoặc có dịch cúm. Chính vì thế, việc tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu nên được chú trọng thực hiện thường xuyên.
Khi ho, người bệnh viêm phổi nên ho ở tư thế ngồi và hơi cúi về phía trước. Ảnh minh họa
Ngoài ra, lối sống lành mạnh cũng giúp phòng tránh viêm phổi. Những thói quen tốt này sẽ giúp cho sức khỏe và hệ miễn dịch tăng lên, vừa giúp ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời giúp kiểm soát được bệnh mạn tính kèm theo:
-
Tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh và giữ cho nơi ở thông thoáng, ấm áp.
-
Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người bệnh, hạn chế tập trung nơi đông người và thường xuyên mang khẩu trang.
-
Chú ý vệ sinh răng miệng, giữ vệ sinh đường hô hấp sạch sẽ và thông thoáng, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
-
Thiết lập thói quen vận động hằng ngày để nâng cao sức khỏe. Với những người bị liệt có thể vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp cơ bắp hoặc tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.
-
Từ bỏ thói quen hút thuốc là và rượu bia.
-
Kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay cho các món nhiều đạm, tinh bột và dầu mỡ…
Đặc biệt là mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè và nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm… giúp người cao tuổi nâng cao sức đề kháng phòng được viêm phổi.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/5-luu-y-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-mac-viem-phoi-tai-nha-16924102115362671.htm