Nhiều người cho rằng tuổi thọ phần lớn được quyết định bởi di truyền, tuy nhiên điều đó chưa hẳn đúng. Các yếu tố khác như chế độ ăn uống cân bằng, lối sống lành mạnh là bí quyết giúp tăng tuổi thọ và giảm bệnh tật khi con người già đi.
Dưới đây là những bí quyết giúp sống thọ hơn:
1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Hai yếu tố quan trọng trong chế độ ăn uống giúp tăng tuổi thọ đó là tăng cường sử dụng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe đồng thời hạn chế tiêu thụ chất đạm. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, cà phê để có một sức khỏe tốt cũng quan trọng không kém việc hạn chế thịt đỏ, thịt đã qua chế biến.
Ngoài ra, chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean Diet) chú trọng vào các loại hải sản, rau quả theo mùa và chất béo có lợi từ dầu olive cũng được cho là giúp gia tăng tuổi thọ.
Chế ăn Địa Trung Hải khuyến khích ăn nhiều rau, đậu, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, axit béo không bão hòa đa và axit béo omega-3 chuỗi dài, ít thịt đỏ, thịt chế biến, sữa giàu chất béo, đường, chất béo chuyển hóa và natri.
2. Hoạt động thể chất, đi bộ
Hoạt động thể chất nói chung và đi bộ nói riêng là bài tập thể dục tốt cho sức khoẻ, vừa giúp giảm cân lại vừa giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Đi bộ nhanh đem lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Tập luyện thể dục sẽ hỗ trợ máu lưu thông, tim khỏe mạnh hơn, đồng thời giúp bạn xả stress. Các hoạt động thể chất trong đó có đi bộ sẽ tác dụng ngang với chạy. Trên thực tế, các nhà khoa học tại Đại học Harvard đã phát hiện đi bộ ít nhất 3 giờ mỗi tuần giảm 35% tỷ lệ đau tim và tử vong do bệnh tim.
Hoạt động thể dục sẽ giúp giữ cân nặng ở mức hợp lý, giảm thiểu các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, ổn định đường huyết... giúp chúng ta khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.
Không cần phải tập luyện khó khăn như chạy marathon mà chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Nếu tập thêm những phương pháp giữ gìn gân cốt như yoga, bơi lội, đạp xe... sẽ giúp mọi người giảm cân, giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Nó có thể giúp giữ cho cơ thể bạn ở mức cân nặng hợp lý, giúp một người già đi một cách lành mạnh.
Hoạt động thể chất nói chung và đi bộ nói riêng là bài tập thể dục tốt cho sức khoẻ.
3. Hãy mỉm cười thường xuyên, tránh căng thẳng
Mỉm cười không chỉ giúp cải thiện tâm trạng - cortisol và endorphin tiết ra khi cười giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm huyết áp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những người hay cười tươi sống trung bình 79,9 năm, những người cười một phần là 75 năm và những người không cười là 72,9 năm. Trẻ em cười trung bình 400 lần mỗi ngày, so với người lớn vui vẻ trung bình cười 40 đến 50 lần mỗi ngày và người lớn chỉ cười 20 lần mỗi ngày.
Nếu thường xuyên lo lắng, căng thẳng có thể làm giảm đáng kể tuổi thọ. Nếu căng thẳng hoặc lo lắng kéo dài được cho là có nguy cơ tử vong vì bệnh tim. Vì vậy, hãy sống tích cực, lạc quan là liều thuốc hữu hiệu có khả năng kéo dài tuổi thọ, làm cho chất lượng cuộc sống của mỗi người tốt hơn.
4. Vệ sinh răng miệng thường xuyên
Sức khỏe răng miệng phản ánh sức khỏe tổng thể của con người. Các nhà khoa học cho rằng khi tuổi tác tăng lên, việc mất răng là điều tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng mất răng nghiêm trọng ảnh hưởng đến 2% dân số trên toàn cầu và nằm trong các bất ổn sức khỏe có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Giải thích về vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng nếu vệ sinh răng miệng sạch sẽ giảm được nguy cơ sâu răng, tránh tình trạng mất răng. Nếu tình trạng sâu răng sớm, mất răng sẽ khiến người bệnh suy dinh dưỡng vì làm suy yếu chức năng nhai và khả năng phân hủy thức ăn, ảnh hưởng đến tiêu hóa và mắc các vấn đề về tâm lý sớm.
Ngoài ra, tình trạng mất răng, sâu răng sẽ khiến người bệnh có thể có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Bởi viêm nhiễm răng khiến động mạch bị tắc nghẽn, máu khó lưu thông lên tim và vi khuẩn gây viêm nhiễm răng lợi đã thâm nhập vào dòng máu, tạo ra bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan trong đó có tim.
Sức khỏe răng miệng phản ánh sức khỏe tổng thể của con người.
5. Duy trì giấc ngủ tốt mỗi ngày
Giấc ngủ rất quan trọng để điều chỉnh chức năng tế bào và giúp cơ thể hồi phục. Thói quen ngủ đều đặn, chẳng hạn như đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày có thể tác động đến tuổi thọ.
Thời gian ngủ dường như cũng là một yếu tố quan trọng bởi ngủ quá ít và quá nhiều đều có hại. Ngủ quá ít cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, béo phì. Mặt khác, ngủ quá nhiều lại dẫn đến các vấn đề về tinh thần, ít hoạt động thể chất. Vì vậy, hãy ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm.
Việc duy trì giấc ngủ tốt mỗi ngày sẽ giúp ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn hại và suy yếu, tránh được rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch ở người già, bệnh tiểu đường hoặc thừa cân/ béo phì... Khi ngủ cơ thể sẽ phục hồi, tái tạo năng lượng cho cơ thể, đồng thời tiết ra những hormone cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể khỏe mạnh, sống thọ. Do đó một giấc ngủ sâu, đủ giấc được xem như liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho cơ thể con người, đặc biệt ở người cao tuổi.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/ap-dung-ngay-5-thoi-quen-sau-giup-song-tho-hon-16924101810573621.htm