Cập nhật: 29/10/2024 07:39:00
Xem cỡ chữ

Các doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 15 như một "chiếc gông" siết chặt hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điều, khiến họ khó khăn trong việc điều chỉnh sản xuất theo biến động của thị trường.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành điều Việt Nam trên thị trường quốc tế, hôm nay (28/10), tại Bình Dương, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức tọa đàm tham vấn “Nhận diện các khó khăn, vướng mắc và tìm kiếm giải pháp tạo thuận lợi thương mại cho ngành điều”.

Áp lực kép với ngành điều 

Theo một số doanh nghiệp, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, ban hành ngày 2/2/2018, dù hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, nhưng trên thực tế lại đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành điều Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi. 

Bởi theo thống kê, khoảng 70% nguyên liệu điều thô của Việt Nam được nhập khẩu từ các nước châu Phi. Do các nước này chưa được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam, nên các doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất để xuất khẩu. Điều này gây ra nhiều bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường.

nghi dinh 15 nhu chiec gong siet chat hoat dong cua nganh dieu hinh anh 1

Ngành điều tạo việc làm cho nhiều lao động ở Bình Phước (ảnh: CT)

Các doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 15 như một "chiếc gông" siết chặt hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến họ khó khăn trong việc điều chỉnh sản xuất theo biến động của thị trường. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản do tồn kho lớn không thể tiêu thụ hết sản phẩm. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã buộc phải "lén" bán hàng ra thị trường nội địa, vi phạm pháp luật để duy trì hoạt động sản xuất.

nghi dinh 15 nhu chiec gong siet chat hoat dong cua nganh dieu hinh anh 2

Ông Tạ Quang Huyên phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty Hoàng Sơn I, ở Bình Phước nói: "Có những lúc giá thế giới xuống rất nhanh, xuống sâu, những doanh nghiệp có thương hiệu lớn thì tái xuất khẩu còn có người mua, chứ doanh nghiệp nhỏ tái xuất khẩu không có người mua. Nếu không có người mua thì doanh nghiệp bó tay, chỉ chờ phá sản. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bị như vậy nên ngân hàng cũng cảnh giác với doanh nghiệp yếu, không dám tài trợ vốn. Bởi tài trợ vốn khi thị trường biến động, doanh nghiệp không có thương hiệu không bán được, trong khi đó ngân hàng muốn thanh lý để thu hồi nợ cũng không được nên họ thấy rủi ro đành rút vốn”.

Trước những vướng mắc do Nghị định 15 gây ra, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh một số quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể là đề xuất cho phép họ tự chủ hơn trong việc làm thủ tục khai báo, đóng thuế khi bán hàng cho các đơn vị khác. Mặt khác nới lỏng quy định về chuyển nhượng, cho phép doanh nghiệp nhỏ bán lại nguyên liệu điều cho các doanh nghiệp lớn trong nước, đặc biệt vào những thời điểm thị trường thế giới biến động mạnh.

Mong nghị định được sửa đổi

Trước những thách thức mà ngành điều đang đối mặt, các đại biểu tham dự tọa đàm, đặc biệt là các luật sư, đã đưa ra nhiều giải pháp. Luật sư Lê Trọng Thêm cho rằng, doanh nghiệp cần nắm vững quy định pháp luật để chủ động phòng ngừa rủi ro.

nghi dinh 15 nhu chiec gong siet chat hoat dong cua nganh dieu hinh anh 3

Các chuyên gia, đại diện bộ, ngành tham gia tọa đàm

Cụ thể, theo quy định hiện hành, hạt điều nhập khẩu từ các nước châu Phi chủ yếu phục vụ mục đích xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể linh hoạt hơn bằng cách ký kết hợp đồng chuyển nhượng với các doanh nghiệp khác trong cùng nhóm để mở rộng thị trường. Trường hợp muốn thay đổi mục đích sử dụng, cần tuân thủ đầy đủ các quy định về hải quan và thuế.

Bên cạnh đó, ông Thêm cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động xem xét, đưa các quốc gia châu Phi xuất khẩu điều thô vào “Danh sách các nước đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam”. Việc chờ đợi các nước châu Phi hoàn tất thủ tục sẽ kéo dài thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm chậm quá trình phát triển của ngành điều Việt Nam.

"Chúng ta cần nguyên liệu của họ để ngành xuất khẩu điều nhân của Việt Nam phát triển. Chính phủ, bộ ngành ở Việt Nam chủ động đơn phương đưa các quốc gia Châu Phi vào danh mục được phép để lúc đó, doanh nghiệp điều Việt Nam khi nhập khẩu về thì chuyển đổi mục đích từ nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu sang nhập khẩu sản xuất và có thể tiêu thụ nội địa", luật sư Thêm nói.

nghi dinh 15 nhu chiec gong siet chat hoat dong cua nganh dieu hinh anh 4

Rất đông doanh nghiệp chế biến điều đến tham dự và nêu khó khăn do vướng quy định Nghị định 15

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam thừa nhận: trong 6 năm qua, tình hình thế giới biến động cùng những hạn chế của Nghị định 15 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi.

Ông Nhựt cho biết, Hiệp hội sẽ kiến nghị cơ quan chức năng sớm có những điều chỉnh phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành điều Việt Nam.

"Để giải tỏa khó khăn trong Nghị định 15, Hiệp hội sẽ làm văn bản kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Chính phủ. Mong muốn cuối cùng của Hiệp hội là Chính phủ, Bộ quan tâm, thay đổi nghị định này để kích cầu năng lực sản xuất chế biến của các doanh nghiệp trong ngành điều Việt Nam”.

Việc tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn thách thức cho ngành điều Việt Nam không chỉ là vấn đề cấp bách của các doanh nghiệp mà còn liên quan đến sự phát triển bền vững của cả ngành. Những quyết sách phù hợp từ phía cơ quan chức năng sẽ góp phần nâng cao vị thế của ngành điều Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất và xuất khẩu hạt điều sang các nước.

Theo vov.vn

https://vov.vn/kinh-te/nghi-dinh-15-nhu-chiec-gong-siet-chat-hoat-dong-cua-nganh-dieu-post1131584.vov