Với quyết tâm của chính quyền huyện Kon Plông và sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ như VNPT, Măng Đen đang từng bước chuyển mình, phát triển du lịch thông minh, bền vững.
Giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vỹ, có một nơi được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” – Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum). Không mang trong mình sự sầm uất, nhộn nhịp của các khu du lịch lớn, Măng Đen nổi bật với vẻ đẹp nguyên sơ, khí hậu mát lạnh và sự bình yên đến lạ.
Nhưng không chỉ dừng lại ở tiềm năng thiên nhiên, Măng Đen đang từng bước thay đổi và phát triển du lịch thông minh, tận dụng công nghệ số để khai phá sức hút vốn có của mình.
“Viên ngọc quý” giữa đại ngàn
Nằm trong vùng cao nguyên Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Măng Đen may mắn sở hữu khí hậu se lạnh quanh năm, hệ sinh thái đa dạng. Ở nơi đây có những bức tranh thiên nhiên thơ mộng với những cánh rừng nguyên sinh, hồ nước trong vắt... Đến Măng Đen, du khách không chỉ tìm thấy sự yên bình giữa thiên nhiên mà còn có cơ hội hòa mình vào đời sống của người dân tộc bản địa. Đây là lợi thế mà ít nơi nào tại Việt Nam có thể sánh được, một nơi còn giữ được nét hoang sơ của tự nhiên mà vẫn đủ gần để kết nối với các thành phố lớn.
Ứng dụng Mang Den Tourism mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. (Ảnh chụp màn hình)
Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông cho hay, rừng phủ tới 83% diện tích ở nơi này.
Xác định du lịch là thế mạnh, lãnh đạo huyện Kon Plông xác định nơi đây phải có bản sắc riêng. Bởi vậy, giữ rừng là vấn đề tiên quyết để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, địa phương cũng bảo tồn văn hóa, đưa người dân đi học tập cách làm du lịch ở các làng bản nổi tiếng trên cả nước.
Vị lãnh đạo huyện Kon Plông bảo rằng, hai năm trở lại đây, du lịch ở Măng Đen phát triển rất tốt, nhiều người chọn ở lại qua đêm. Kon Plông có 130 cơ sở lưu trú, đáp ứng 5.000-6.000 khách/đêm. Giữa tháng Mười, huyện cũng đã đưa khu kinh tế đêm vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Nhưng để không chỉ là điểm dừng chân cho những ai tìm kiếm sự bình yên, lãnh đạo huyện Kon Plông hiểu rằng, để phát triển bền vững, việc ứng dụng công nghệ số là con đường tất yếu, giúp “chạm đến” nhiều du khách hơn, đồng thời bảo tồn giá trị thiên nhiên quý báu của mình.
Cầu nối đưa Măng Đen đến gần du khách
Tại Măng Đen, công nghệ - dù còn khá mới mẻ, nhưng được xác định sẽ trở thành chiếc “chìa khóa” mở ra những hướng đi mới cho du lịch. Ông Thắng cho hay khi đầu tư vào đô thị thông minh, huyện tập trung chuyển đổi số để phát triển du lịch. Hiện nay, huyện đang bố trí 30 tỷ đồng để đầu tư dự án này. Kon Plông đã triển khai nâng cấp website, phủ sóng wifi miễn phí tại các điểm du lịch, xây dựng du lịch thực tế ảo để du khách không chỉ được trải nghiệm Măng Đen ngay cả khi chưa đến mà còn có thể “sống” lại từng khoảnh khắc trong chuyến hành trình.
Ngoài ra, các ứng dụng du lịch thông minh cũng đang được triển khai. Đơn cử như Cổng thông tin du lịch Măng Đen (Mang Den Tourism) sẽ cung cấp cho khách du lịch các thông tin khách sạn nhà nghỉ, điểm đến, nơi cư trú và ẩm thực của địa phương. Ngoài ra, ứng dụng Mang Den Tourism còn cung cấp các tính năng nổi bật và tiện dụng như tìm kiếm và chỉ đường tới các địa điểm nổi bật dựa vào vị trí của người dùng; tạo lịch trình dựa trên sở thích du lịch của người dùng; gợi ý các địa điểm thu hút khách và các chương trình khuyến mãi...
Thay vì bị giới hạn trong các tài liệu quảng bá truyền thống, giờ đây, mọi thông tin về Măng Đen có thể nằm gọn trong chiếc điện thoại thông minh của du khách.
Một góc Măng Đen. (Ảnh: Đặng Đình Toán, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông)
Trong hành trình phát triển du lịch thông minh ở Măng Đen, VNPT có vai trò quan trọng. Những giải pháp công nghệ tiên tiến của VNPT đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ tại khu vực, từ việc triển khai Wi-Fi đến hạ tầng công nghệ hiện đại giúp trải nghiệm của du khách trở nên tiện lợi hơn.
Ông Võ Bằng Giang, Phó Giám đốc VNPT cho hay đơn vị này với tư cách là thành viên Ban Chuyển đổi số của Kon Plông đã tham gia tư vấn cho huyện, đồng hành với địa phương để thiết kế du lịch thông minh. Bên cạnh đó, VNPT liên tục đầu tư vào hạ tầng 4G, 5G để tăng độ phủ sóng di động chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại Kon Plông.
“Hạ tầng của VNPT đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, do đó đủ năng lực hạ tầng để triển khai các dịch vụ số trên địa bàn, đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống,” ông Giang khẳng định.
Dù mới chỉ là bước khởi đầu, song với sự quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, Măng Đen đang từng bước chuyển mình để trở thành một điểm đến du lịch thông minh và bền vững. Tin rằng với sự quyết tâm ấy, Măng Đen không chỉ giữ được nét hoang sơ, nguyên bản của thiên nhiên mà còn là hình mẫu tiêu biểu của du lịch thông minh ở khu vực Tây Nguyên, trở thành điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Việt Nam./.
"Săn mây" ở Măng Đen. (Ảnh: Đặng Đình Toán, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông)
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cong-nghe-so-giup-suc-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-mang-den-post988069.vnp