Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ Quốc phòng - lực lượng tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Hải quân nhân dân Việt Nam – 69 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành
Ngay từ ngày đầu thành lập, Cục Phòng thủ bờ bể đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung lực lượng, nâng cao khả năng bảo vệ, quản lý vùng biển được giao. Nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng, ngày 24-1-1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định 320/NĐ thành lập Cục Hải quân, có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Quốc phòng xây dựng, chỉ huy lực lượng, quản lý quân cảng, bảo vệ hải phận miền Bắc. Đây là bước chuyển quan trọng từ nhiệm vụ nghiên cứu sang chỉ huy, chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.
|
Lễ đón nhận cờ “Chiến công oanh liệt - Truyền thống vẻ vang” của Bộ đội Hải quân sau chiến thắng ngày 5-8-1964. Ảnh: Tư liệu Quân chủng Hải quân
|
Để bảo đảm cho Hải quân nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và leo thang đánh phá miền Bắc, ngày 3-1-1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 01/QP thành lập Bộ tư lệnh Hải quân trên cơ sở Cục Hải quân. Từ đây hải quân trở thành một quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ đội Hải quân đã anh dũng đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc (Maddox) của Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc, hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng phòng không ba thứ quân và quân dân các địa phương ven biển miền Bắc, bắn rơi và bắn bị thương nhiều máy bay, lập nên chiến công đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964.
Trong suốt sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Hải quân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn tác chiến, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, cùng quân dân miền Bắc đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ; đánh bại chiến dịch phong tỏa miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường của không quân và hải quân Mỹ; là lực lượng nòng cốt mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tích cực chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam; kịp thời huy động lực lượng tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bác rất vui mừng khen ngợi thành tích vẻ vang về xây dựng và chiến đấu của các chú. Tuy còn non trẻ... hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta...”.
Lực lượng nòng cốt bảo vệ giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc
Đất nước thống nhất, cả nước tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hải quân nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân bảo vệ giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và Lào, tích cực tham gia hàn gắn vết thương chiến tranh, phòng tránh thiên tai, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội; góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”. Với chức năng “đội quân lao động sản xuất” Hải quân nhân dân Việt Nam mà nòng cốt là đơn vị quốc phòng - kinh tế, các nhà máy xí nghiệp quốc phòng đã tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh trên các địa bàn chiến lược, các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
|
Biên đội tàu chiến đấu Lữ đoàn 175 thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam.
|
Trải qua quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân chủng Hải quân đã hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác. Ngoài ra, Quân chủng Hải quân còn có 64 lượt Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động (trong đó Đội 1 thuộc Đoàn 126 được tuyên dương 3 lần; các đơn vị 125, 126, 101, 83, 131, Tàu HQ 671 được tuyên dương 2 lần) và 34 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 6.937 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc.
Đại úy, ThS NGUYỄN NGỌC TOÁN – Viện Lịch sử quân sự
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/lich-su-quan-doi-nhan-dan-viet-nam/hai-quan-nhan-dan-viet-nam-luc-luong-nong-cot-bao-ve-vung-chac-chu-quyen-bien-dao-thieng-lieng-cua-to-quoc-800290