Cập nhật: 09/11/2024 07:36:00
Xem cỡ chữ

Lớp trẻ ít mặn mà, những nghệ nhân, người lớn tuổi biết chơi nhạc cụ, hát lý của dân tộc mình ngày càng ít đi. Nhiều loại hình văn hóa độc đáo gắn với đời sống tinh thần của người Cơ Tu ở Quảng Nam dần mai một và có nguy cơ thất truyền. 

Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần làm sống lại nghệ thuật nói lý, hát lý, Tung tung da dá và những thanh âm đặc trưng của người Cơ Tu giữa đại  ngàn Trường Sơn.

“Hôm nay, khách quý đến thăm nhà. Chúng tôi chẳng có gì đón tiếp, chỉ có ly rượu nhạt này, mong khách không chê tấm lòng của chúng tôi. Hãy uống cạn ly rượu này để thể hiện tấm chân tình…”

Đây là một đoạn hát lý của nghệ nhân Briu Đâu, ở thôn A Réc Đh’Rôồng, xã Tà Lu, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam trình bày khi có đoàn khách đến thăm nhà. Ông Briu Đâu là người có uy tín ở thôn A Réc Đh’Rôồng, cũng là người hiếm hoi ở xã Tà Lu biết hát lý. Ông rất vui khi mới đây được chính quyền địa phương cử lên huyện dự lớp tập huấn về nghệ thuật nói lý, hát lý để về truyền dạy lại cho các thành viên trong Câu lạc bộ hát lý, nói lý tại thôn mình.

lan toa nghe thuat noi ly, hat ly dac trung cua nguoi co tu quang nam hinh anh 1

Hát lý của người Cơ Tu ở Quảng Nam

Theo ông Briu Đâu, hát lý, nói lý là một loại hình nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu rất độc đáo của người Cơ Tu. Cái khó của hát lý là không có sẵn lời như các làn điệu dân ca hay nhạc hiện đại, người hát lý, nói lý tự ứng khẩu. Ngày nay, những người Cơ Tu cao tuổi có năng khiếu vẫn còn lưu giữ nghệ thuật nói lý, hát lý và được trình bày trong đám cưới, ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em hay giải quyết các bất hòa.

Ông Briu Đâu nói: “Ngày xưa, người lớn tuổi thường hát lý, nói lý và nhiều người mong muốn duy trì nhưng ngày nay, thanh niên, lớp trẻ có người cũng không ưa. Xã hội phát triển thì nói thẳng, nói nhanh, ngắn gọn chứ không ưng nói lý. Còn ngày xưa những người lớn tuổi thích sử dụng mới vui, có thời gian thử thách tài năng giữa anh này với anh kia, văn hóa ngày xưa là như thế”.

Một thời gian dài, nghệ thuật nói lý, hát lý và nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật của người Cơ Tu đứng trước nguy cơ mai một trong đời sống đương đại. Những người lớn tuổi có năng khiếu thể hiện hát lý, nói lý, đánh trống, chiêng… cũng không nhiều. Nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa, giải trí hiện đại lấn át, các thế hệ trẻ ít mặn mà với loại hình này nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

lan toa nghe thuat noi ly, hat ly dac trung cua nguoi co tu quang nam hinh anh 2

Hiện nay, nhiều thôn, bản vùng miền núi tỉnh Quảng Nam thành lập

lan toa nghe thuat noi ly, hat ly dac trung cua nguoi co tu quang nam hinh anh 3

Nghệ nhân Ca Lâu Nhím, ở tổ dân phố Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang

Thời gian qua, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của di sản độc đáo này. Huyện miền núi Đông Giang huy động đội ngũ già làng, người có uy tín, những nghệ nhân dân gian người Cơ Tu thành lập các Câu lạc bộ hát lý, nói lý; mở các lớp dạy nói lý, hát lý cho thanh niên, học sinh. Nhiều trường học cũng tổ chức các khóa truyền dạy nghệ thuật đánh trống, chiêng kết hợp múa Tung tung da dá, nói lý, hát lý, hát giao duyên Cơ Tu, dệt thổ cẩm, thi gói bánh sừng trâu, thi bắn nỏ, trình diễn trang phục truyền thống Cơ Tu.

Bạn Phong Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Đông Giang thích thú khi được tham gia học các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình: “Con rất tự hào về nền văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Câu lạc bộ này hoạt động 1 tháng 1 lần và các hoạt động ngoài giờ lên lớp là dạy múa tung tung da dá, hát lý, làm bánh sừng trâu, dệt vải thổ cẩm, mừng lúa mới… Tập trung các bạn học sinh trong trường để tuyên truyền giúp các bạn hiểu biết thêm để xây dựng nền văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu”.

lan toa nghe thuat noi ly, hat ly dac trung cua nguoi co tu quang nam hinh anh 4

Nghệ nhân Ca Lâu Nhím, ở tổ dân phố Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang

Từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện miền núi Đông Giang đã trang bị cho mỗi thôn, khu phố một bộ trống, chiêng để bảo tồn văn hóa; đầu tư xây dựng Nhà sản xuất và trưng bày dệt thổ cẩm Đh’Rôồng, xã Tà Lu. Huyện mở các lớp tập huấn múa Tung tung da dá, nghệ thuật nói lý, hát lý, dạy cách đánh trống, phục dựng lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu. Ông Phong Thái, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, huyện trang bị cho mỗi thôn, bản, tổ dân phố một bộ cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc. Mỗi thôn bản, khu phố thành lập các Câu lạc bộ nói lý hát lý, Tung tung da tá, múa cồng chiêng:

Ông Phong Thái nói: “Người dân rất phấn khởi, vì hiện tại huyện đang đầu tư làm nhà sinh hoạt cộng đồng, thôn nào cũng có nhà mới nên bà con có nơi để sinh hoạt rất rộng rãi. Bà con  mong muốn được trang bị cho mỗi thôn một bộ trống, chiêng. Vừa rồi, nhiều thôn cũng điện hỏi mong muốn được trang bị, bà con mỗi làn có lễ thì sử dụng hoặc hộ gia đình có tổ chức gì thì có thể  mượn của thôn để dùng, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào”.

Tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại 6 huyện miền núi của tỉnh. Đến nay, nguồn kinh phí từ Chương trinh này đã hỗ trợ xây dựng mỗi thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 65% thôn, bản ở miền núi có đội văn hóa, văn nghệ là các câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên góp phần thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch. 

lan toa nghe thuat noi ly, hat ly dac trung cua nguoi co tu quang nam hinh anh 5

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2025 này, tỉnh tập tung các cái cơ chế, chính sách phát triển du lịch miền núi và phải lồng ghép với nhiều chương trình hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỉnh tập trung phục dựng lại các lễ hội, hỗ trợ để cho già làng truyền dạy nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, phục dựng lại nhà làng (Gươil) truyền thống; Xây dựng một số mô hình thí điểm để kết hợp, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa kết hợp với phát triển du lịch”.

Theo Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

 https://vov.vn/van-hoa/lan-toa-nghe-thuat-noi-ly-hat-ly-dac-trung-cua-nguoi-co-tu-quang-nam-post1134003.vov