Cập nhật: 13/11/2024 08:44:00
Xem cỡ chữ

Cùng với Làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội và Làng cổ Phước Tích ở Thừa Thiên-Huế, Làng cổ Đông Hòa Hiệp ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.

Cổng vào nhà cổ Ông Kiệt tọa lạc ở số 22, tổ 1, ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Cổng vào nhà cổ Ông Kiệt tọa lạc ở số 22, tổ 1, ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Lễ hội Văn hóa-Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11 (nhằm ngày 14 và 15/10 âm lịch).

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Cái Bè, các hoạt động chính của Lễ hội năm 2024 gồm phiên chợ quê; Hội thi Làm bánh dân gian; trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương của huyện Cái Bè; Hội thi Chưng nghi, mâm ngũ quả; trưng bày và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ du lịch Tiền Giang; thả đèn hoa đăng; tái hiện nghi thức cúng đình; tổ chức Hội thi kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, đập heo đất.

Lễ khai mạc Lễ hội sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 14/11 tại sân lễ Ủy ban Nhân dân xã Đông Hòa Hiệp; lễ bế mạc diễn ra vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 15/11.

Lễ hội là hoạt động được tổ chức định kỳ hằng năm. Đây là sự kiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp, góp phần phát triển du lịch của huyện Cái Bè trong thời gian tới.

ttxvn_le hoi dong hoa hiep 1.jpg

Một đội dự thi làm bánh dân gian tại Lễ hội Văn hóa-Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2023. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Đồng thời, đây là bước chuẩn bị cho Lễ hội cấp tỉnh năm 2025, qua đó định hướng và hướng dẫn người dân tham gia du lịch cộng đồng ngày càng nhiều, phong phú và hiệu quả.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Đông Hòa Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia theo tại Quyết định số 2080/QĐ-BVHTTDL năm 2017.

Cùng với Làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội và Làng cổ Phước Tích ở Thừa Thiên-Huế, Làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được Tổng cục Du lịch Việt Nam (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.

Một trong những điểm ấn tượng đối với du khách khi đến với Làng cổ Đông Hòa Hiệp là hình ảnh của những ngôi nhà cổ mang đậm phong cách nhà vườn Nam Bộ.

Hiện nay, Làng cổ Đông Hòa Hiệp có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách đây từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80-100 năm. Bảy nhà cổ được xây dựng theo cấu trúc nhà truyền thống Nam Bộ có 5 gian, 3 chái hình chữ Đinh cùng các hoa văn chạm khắc, trang trí công phu.

Trong các ngôi nhà cổ vẫn còn giữ được nhiều bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm.

ttxvn_le hoi dong hoa hiep 2.jpg

Bên trong những ngôi nhà cổ, bức hoành phi, đôi liễn được chạm trổ tinh xảo. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Các ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà chúng nằm đan xen với những vườn cây ăn trái xum xuê, tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng và cuốn hút du khách. Các ngôi nhà cổ ở đây không những rất độc đáo về kiến trúc mà hiện còn là điểm du lịch homestay thu hút đông du khách quốc tế.

Những ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp nằm rải rác trong các ấp An Bình Đông, ấp Phú Hòa, ấp An Lợi, ấp An Thạnh… Một số ấp nối với nhau như khu bàn cờ, trong bán kính khoảng 2km nên du khách chỉ cần một chiếc xe đạp hoặc đi bộ là có thể đi quanh làng.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp của huyện Cái Bè đã được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những di sản văn hóa quý giá và là cơ sở để phát huy tiềm năng du lịch sinh thái.

Nằm trong khuôn viên rộng hơn 19.000m2, được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) mang kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam Bộ và Pháp.

Nhà được xây dựng vào năm 1850, trong nhà có lưu giữ các cổ vật quý hiếm như 4 cây cột bằng gỗ căm xe; 3 bộ tủ, bộ liễn khảm xà cừ; chiếc hộp gỗ khảm hình rồng, bên trong có bản “Sắc phong thần” do Vua Tự Đức ban vào khoảng thời gian từ năm 1848 đến năm 1860; 9 bức tranh tường tuyệt đẹp phác họa khung cảnh làng quê bình dị bên dòng sông.

ttxvn_le hoi dong hoa hiep 3.jpg

Bức hoành phi tại gian chính của căn nhà cổ Ông Kiệt. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) xây dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m2, gồm 5 gian với kiến trúc kiểu chữ Đinh; trên các vì kèo, ô cửa… bằng gỗ có chạm khắc tinh xảo các hoa văn như tùng, cúc, trúc, mai… và nhiều họa tiết đặc trưng văn hóa Nam Bộ.

Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với các hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ; đặc biệt là 108 cây cột bằng gỗ căm xe quý hiếm.

Ngôi nhà đã được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “Cửu đại mỹ gia” (9 ngôi nhà đẹp nhất) ở Việt Nam; được JICA và Trường Đại học Kiến trúc Nữ chiêu hoàng (Nhật Bản) đầu tư kỹ thuật và tài chính để trùng tu vào năm 2002.

Nhà cổ của gia đình ông Lê Quang Xoát (ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, có diện tích hơn 700m2. Đây là ngôi nhà có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, kiểu nhà rường của Huế nhưng mang đậm sắc thái Nam Bộ.

Ngôi nhà có 3 gian 2 chái đôi toàn bằng gỗ quý, mái ngói âm dương trên diện tích khuôn viên vườn cây ăn trái 9.215 m2. Trải qua 6 đời, tuy có một số lần sửa chữa, tu bổ, nhìn bên ngoài như mang dáng dấp của kiến trúc phương Tây, nhưng bên trong ngôi nhà vẫn giữ được nét đặc trưng ban đầu theo lối kiến trúc nhà ở dân gian Nam Bộ.

Đặc biệt, tại gian ngoài của ngôi nhà còn đặt 1 bộ ván ngựa đôi (2 miếng ghép lại) bằng đá cẩm thạch rất đặc biệt. Theo chủ nhà, bộ ván cẩm thạch này có tính năng đặc biệt là mát về mùa Hè nhưng lại ấm về mùa Đông. Nhiều người chơi đồ cổ đã tìm đến và nài nỉ mua với giá rất cao nhưng gia đình không bán.

Với bề dày lịch sử và kiến trúc nghệ thuật trang trí độc đáo cũng như một số ngôi nhà khác ở xã Đông Hòa Hiệp, nhà cổ của gia đình ông Lê Văn Xoát đã được JICA và ngành văn hóa địa phương tư vấn phát triển du lịch cộng đồng, được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2014.

ttxvn_nha co dong hoa hiep.jpg

Nhà cổ Đông Hòa Hiệp còn lưu giữ nhiều vật dụng quý giá mang tính chất cổ xưa. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Nếu muốn trải nghiệm nghỉ ngơi, ăn uống ở nhà cổ, du khách có thể liên hệ trước với gia đình nhà ông Kiệt, ông Võ, ông Ba Đức… Những ngôi nhà này cổ này đều có dịch vụ du lịch homestay. Du khách có thể trải nghiệm những sinh hoạt thường ngày cùng người dân địa phương: tham gia làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa, chăm sóc vườn cây ăn trái, đi chợ nổi Cái Bè, tát mương bắt cá; nghe đờn ca tài tử.

Tỉnh Tiền Giang có dự án quy hoạch và đầu tư xã Đông Hòa Hiệp trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, trở thành hình mẫu lý tưởng trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước gắn với các nhà cổ của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long./.

Theo (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tien-giang-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-lang-co-dong-hoa-hiep-o-cai-be-post989529.vnp