Ngày 23/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế”.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải nhấn mạnh, đây là di sản chung của cộng đồng, do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị. Thời gian tới, Thừa Thiên - Huế tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của áo dài trong cuộc sống đương đại. Đồng thời, sẽ đề xuất lãnh đạo tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tiến hành việc xây dựng bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Áo Ngũ thân - tiền thân của áo dài Việt Nam hiện đại vốn ra đời ở Đàng Trong, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Từ năm 1744, vị chúa Nguyễn đời thứ 8 ở Đàng Trong là Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định chọn loại trang phục này làm thường phục cho toàn thể nhân dân Đàng Trong (từ sông Gianh Quảng Bình đến hết vùng đất miền Nam hiện nay).
Trong khoảng thời gian từ năm 1837 - 1945, áo Ngũ thân rất phổ biến ở cả hai miền Nam Bắc và được xem là Quốc phục của người Việt. Trải qua thời gian dài hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân xứ Huế đã tích lũy nhiều tri thức may, mặc áo dài.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế khen thưởng các điển hình trong tổ chức Tuần lễ Áo dài cộng đồng 2024.
Sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.
Đặc biệt, Ở Xứ Huế, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất Cố đô.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tích cực triển khai Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” từng bước đưa áo dài lan tỏa trong cộng đồng, các loại hình áo dài được nghiên cứu, phục hồi ngày càng phong phú, đặc biệt là các loại cổ phục.
Sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.
Huế cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam tổ chức “ Lễ hội áo dài” trong trong kỳ Festival Huế 2002 và được duy trì đều đặn đến nay nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị tà áo dài đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tích cực phát triển phát triển thương hiệu áo dài Huế, đưa áo dài trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng đã tập trung khảo sát, nghiên cứu xây dựng hồ sơ về nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau gần 3 năm bền bỉ, nỗ lực, hồ sơ đã được bảo vệ thành công.
Ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh di sản này với tên gọi “Tri thức May và Mặc áo dài của người Huế”.
Theo Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)
https://baotintuc.vn/van-hoa/lan-toa-gia-tri-ao-dai-hue-trong-cuoc-song-duong-dai-20241123124611002.htm