Hàng ngày, hàng giờ, các video, clip với nội dung nhảm nhí, dung tục, có tính chất cổ súy bạo lực, giang hồ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội đã gieo rắc virus, đầu độc tâm hồn, nhân cách, suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ.
Theo TS Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, sau một thời gian ồn ào rồi tạm lắng, thì gần đây vấn nạn "giang hồ mạng" lại nổi lên. Nhiều video, clip về "giang hồ mạng", từ những phát ngôn cho đến cách hành xử, đời sống hàng ngày theo hướng tiêu cực của các đối tượng được miêu tả chi tiết, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội là thực trạng đáng báo động.
Nghiêm trọng hơn, bên cạnh sử dụng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, nhiều đối tượng còn có những lời lẽ mang tính kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự. Điều đáng lo ngại là những phát ngôn, hành vi phản văn hóa, bạo lực này lại thu hút rất nhiều lượt theo dõi và được chia sẻ chóng mặt của giới trẻ. Cũng từ những hình ảnh, clip phát tán trên mạng của các "giang hồ mạng" mà một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên thiếu hiểu biết, coi là thần tượng, học đòi theo cách hành xử giang hồ, sa ngã vào các tệ nạn, vi phạm pháp luật.
Cũng theo TS Đỗ Anh Đức, không nên coi mạng xã hội là ảo nữa. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ nó là ảo thì tác động không nghiêm trọng nhưng thực tế nghiên cứu học thuật trên thế giới thì người ta không dùng từ "ảo" để nói về mạng xã hội mà nó đúng là đời sống thật rồi. Nhiều người, nhất là giời trẻ không phân biệt được đâu là đời sống hàng ngày và đâu là trên không gian mạng. Do đó, cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, toàn diện với những tác động có thật của mạng xã hội chứ không nên coi đó là ảo và không có ảnh hưởng gì.
Có thể nói, hiện nay nghề sáng tạo nội dung mang lại cơ hội việc làm và giúp nhiều người thể hiện được khả năng, sức sáng tạo của mình. Tuy nhiên, không phải nội dung nào cũng đem đến giá trị cho người xem bởi bên cạnh những nội dung hay, thú vị và bổ ích, cộng đồng xã hội cũng đang phải chịu cảnh bội thực vì những nội dung độc hại, phản cảm. Điều bất cập là toàn bộ video liên quan đến "giang hồ mạng" được đăng tải trên mạng xã hội đều không được giới hạn độ tuổi.
"Đối với các mạng xã hội, chúng tôi chưa nhìn thấy đầy đủ trách nhiệm của nền tảng cung cấp dịch vụ, do đó mỗi quốc gia đều phải tự xây dựng những điều luật, quy định riêng nhằm mục đích hạn chế tối đa tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với người dùng, nhất là giới trẻ. Ở Việt Nam, tôi nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài để yêu cầu các nhà mạng phải có tác động vào các thuật toán để có thể thay đổi bộ lọc thông tin mạng xã hội bây giờ, không thể để các nội dung độc hại tràn lan mà không có bất kỳ một cảnh báo nào", TS Đỗ Anh Đức nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, việc định danh các tài khoản mạng xã hội là rất cần thiết vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh, giống như đời sống thực. Đồng thời, "Việc quản lý, định danh các tài khoản mạng xã hội sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Từ đó góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng.
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, việc ngăn chặn thứ virus có tên "giang hồ mạng" lây lan là trách nhiệm của cả cộng đồng. Sự lệch lạc sẽ không xảy ra nếu ngay từ đầu công chúng trẻ được giáo dục và nhận thức đúng đắn. Và điều quan trọng nữa là chúng ta không hùa theo số đông để dung túng cho những thứ tầm thường nở rộ.
Theo Thanh Huyền/VOV2
https://vov.vn/xa-hoi/video-clip-ban-tran-lan-can-manh-tay-voi-rac-mang-post1137647.vov