Ứng dụng công nghệ thông tin được xem là giải pháp hữu hiệu để lưu trữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh việc số hóa các điểm di tích lịch sử, tạo thuận lợi trong việc quản lý và mang lại những thay đổi tích cực trong quảng bá di tích, thúc đẩy du lịch phát triển.
Xã Thanh Vân, huyện Tam Dương hiện có 19 di tích lịch sử, trong đó có 3 di tích lịch sử đã được xếp hạng. Để giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời đại số, chính quyền xã đã thực hiện số hóa toàn bộ di tích lịch sử trên địa bàn. Người dân đến các di tích chỉ cần quét mã QR trên điện thoại thông minh là có thể tra cứu và tìm hiểu thêm nhiều thông tin chi tiết, hữu ích về khu di tích.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.300 di tích, trong đó có hơn 500 di tích đã được xếp hạng và 571 di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh công tác số hóa tài liệu giới thiệu các điểm di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào hoạt động ứng dụng thông tin du lịch; ứng dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị. Xây dựng hệ thống dữ liệu của 60 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, kết nối liên thông với nhau, góp phần từng bước xây dựng bản đồ du lịch số.
Để bảo tồn di sản văn hóa bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 52 về việc số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu di sản văn hóa Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2030 với mục tiêu đến năm 2030, thực hiện số hóa 100% dữ liệu hồ sơ khoa học, tư liệu các di tích cấp tỉnh; 100% di sản tư liệu, hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 100% dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ mai một./.
Thu Hoài