Với nhiều ưu điểm vượt trội như dễ trồng, dễ chăm sóc, khả năng chống chịu nhiệt, kháng bệnh tốt, năng suất cao, những năm gần đây, cây cà chua ghép trên gốc cà tím đã và đang trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân trong sản xuất vụ Đông trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, huyện Vĩnh Tường đã vận động người dân trồng cây cà chua ghép trên gốc cà tím tại đồng đất của địa phương. Kết quả cho thấy, cây cà chua ghép có có khả năng chống chịu thời tiết mưa, gió thất thường, chịu hạn, ngập úng tốt, kháng bệnh héo rũ, vi khuẩn, bệnh xoăn lá, sâu đục thân nhờ ghép bộ rễ chắc khỏe của cây cà tím.
Cùng với đó, cây sinh trưởng, phát triển tốt do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn; năng suất cao gấp 2-3 lần so với giống cà chua thường. Từ hiệu quả mô hình, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng cà chua ghép trên đồng đất của gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, đầu vụ, quả cà chua ghép có giá 20 - 22 nghìn đồng/kg, thời gian thu hoạch cà chua ghép có thể kéo dài tới 5 tháng, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, năng suất ước đạt khoảng 3 tấn/sào.
Phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai cũng như kinh nghiệm sản xuất rau màu của người dân trên địa bàn, huyện Vĩnh Tường tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để các địa phương có điều kiện mở rộng mô hình sản xuất cà chua ghép trên gốc cà tím, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, có sự liên doanh liên kết giữa các “nhà”, tạo chuỗi giá trị và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Đặng Thưởng