Nga cảnh báo tên lửa mới của nước này có thể vươn tới các mục tiêu khắp châu Âu trong khi chiến trường miền Đông Ukraine đang rực cháy với những cuộc giao tranh ác liệt và lợi thế đang nghiêng về phía Moscow.
Nga cảnh báo tên lửa vươn tới các mục tiêu khắp châu Âu
Ngày 26/11, Mỹ lần đầu tiên chính thức xác nhận tên lửa tầm xa ATACMS được sử dụng ở Nga trong khi châu Âu đối mặt với những cảnh báo từ phản ứng đáp trả của Moscow bằng một tên lửa đạn đạo tầm trung có thể tấn công "bất cứ nơi nào ở châu Âu".
Khi câu hỏi về leo thang chiến lược vẫn để ngỏ, các lực lượng Nga tiếp tục tiến công qua khu vực Donetsk ở phía Đông Ukraine, chiếm giữ thêm nhiều ngôi làng.
Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander của Nga tấn công các trang thiết bị quân sự và đạn dược của Ukraine. Ảnh: Sputnik
Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết: "Ngay bây giờ Ukraine có thể sử dụng ATACMS để tự vệ trong trường hợp cần thiết ngay lập tức. Điều đó đang diễn ra ở trong và quanh tỉnh Kursk".
Trong một thay đổi về chiến thuật truyền thông, Bộ Quốc phòng Nga đã thừa nhận các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS của Ukraine. Chính quyền Moscow thường đưa ra tuyên bố chung chung về "các mảnh vỡ" rơi từ một tên lửa bị phá hủy đã nhắm vào các cơ sở hạ tầng và gây cháy nổ.
Tuy nhiên, ngày 26/11, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận tên lửa ATACMS đã tấn công một radar phòng không của S-400 tại Lotarevka hôm 23/11 và vào sân bay Khalino hôm 25/11. Cả hai đều cách các vị trí trên tiền tuyến của Ukraine ở Kursk khoảng 90km. Các cảnh quay được định vị địa lý đã xác nhận các vụ tấn công.
Lý do cho việc Nga thừa nhận cuộc tấn công trên là tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin rằng Moscow sẽ trả đũa tương xứng nếu ATACMS hoặc các vũ khí tầm xa khác được sử dụng. Anh và Pháp đã cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa SCALP/Storm Shadow với tầm bắn 200km nhắm vào lãnh thổ Nga.
Nga đã bắn một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới vào thành phố Dnipro ở miền Trung Ukraine vào 21/11 để trả đũa các cuộc tấn công đầu tiên bằng ATACMS và Storm Shadow hồi đầu tuần.
Tên lửa này có tên là Oreshnik, mang theo 6 đầu đạn nhắm vào một nhà máy tên lửa và hàng không vũ trụ. Các quan chức Ukraine cho biết tên lửa không gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Trong bài phát biểu trên truyền hình sau vụ tấn công bằng tên lửa Oreshnik, Tổng thống Putin đã cảnh báo những quốc gia châu Âu có vũ khí được sử dụng để chống lại Nga rằng: "Chúng tôi cho rằng mình có quyền sử dụng các vũ khí để chống lại các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ để chống lại các cơ sở của chúng tôi".
"Nó có thể tấn công các mục tiêu trên khắp châu Âu", ông Sergei Viktorovich, chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga, cho biết trong một cuộc họp với ông Putin. Nhà lãnh đạo Nga đã tiết lộ rằng một cụm tên lửa Oreshnik sẽ có tác dụng tương tự như vũ khí hạt nhân.
"Do sức mạnh tấn công của nó, đặc biệt khi được sử dụng theo nhóm lớn và kết hợp với các hệ thống tầm xa khác có độ chính xác cao mà Nga sở hữu, kết quả sử dụng nó chống lại các mục tiêu của đối thủ sẽ có hiệu quả và sức mạnh tương đương với các vũ khí chiến lược", ông Putin cho hay.
Liệu Nga có thể triển khai hàng loạt tên lửa mới?
"Chúng tôi có một kho dự trữ các hệ thống như vậy sẵn sàng để sử dụng", Tổng thống Putin nói.
Vasily Petrovich, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Công nghiệp Quân sự cho biết, Oreshnik đã được chế tạo "hoàn toàn dựa trên công nghệ của Nga", đồng thời nói thêm rằng "các vấn đề về phụ tùng thay thế nhập khẩu đã được giải quyết" và cơ sở công nghiệp của Nga "cho phép sản xuất hàng loạt vũ khí này".
Tuy nhiên, ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine, nói với RBC-Ukraine rằng Nga không có năng lực sản xuất hàng loạt.
"Tên lửa này đang thử nghiệm. Chúng tôi biết chắc có 2 mô hình đã được chế tạo vào tháng 10. Nhưng đây là mẫu đầu tiên", ông Budanov nói.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, tên lửa Oreshnik dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-26 Rubezh. Các nhà phân tích vũ khí nhận định nó đã được phát triển "trong một thời gian".
Tổng thống Putin tiết lộ đầu đạn Kedr của tên lửa có khả năng di chuyển với tốc độ 2,5 - 3km/s khi tiếp cận mục tiêu, khiến chúng không thể bị đánh chặn bằng các công nghệ hiện có.
Đầu đạn Kedr đã được sử dụng để tấn công ở Ukraine là một phần của cụm tên lửa bao gồm 1 tên lửa đạn đạo Kh-47 Kinzal và 6 tên lửa hành trình Kh-101.
Đầu đạn tên lửa đạn đạo thường rất khó đánh chặn vì tốc độ cuối và chúng không được dẫn đường ở giai đoạn cuối, do đó các tên lửa này không thể bị gây nhiễu hoặc mất phương hướng bằng tác chiến điện tử. Chúng có thể bị đánh chặn tốt nhất vào giai đoạn phóng và giai đoạn bay lên nhưng ông Budanov cho biết toàn bộ hành trình bay của Kedr chỉ kéo dài 15 phút từ lúc phóng đến khi va chạm, cho phép khoảng thời gian đánh chặn rất nhỏ.
Chiến trường miền Đông rực lửa
Ukraine và Nga đã giao tranh trên không nhiều hơn trong tuần qua. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng của họ đã tấn công một kho dầu Nga ở vùng Kaluga ngày 25/11. Nga đã phóng một số lượng kỷ lục UAV và tên lửa nhằm vào Ukraine hôm 26/11, trong đó có 4 tên lửa đạn đạo Iskander và 188 UAV. Cuộc tiến công của Nga ở Donetsk cũng đang tăng tốc, đánh giá của Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho hay.
"Tiền tuyến ở Donetsk đang ngày càng trở nên biến động vì các lực lượng của Nga gần đây đã tiến công với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với toàn bộ năm 2023", ISW nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov cho biết các lực lượng của Moscow đã tăng tốc ở Ukraine và thực sự làm gián đoạn chiến dịch quân sự của Kiev. Theo báo cáo, các lực lượng của Nga đã chiếm được một loạt ngôi làng ở phía Bắc Ugledar - một thị trấn mà họ đã mất trong cuộc phản công của Ukraine năm ngoái nhưng sau đó đã chiếm lại.
"Lực lượng Nga đã tăng đáng kể nhịp độ tiến quân theo hướng Pokrovsk, Kurakhove, Ugledar và Velyka Novosilka kể từ 1/9 và chiếm được ít nhất 1.1103km2 trong những khu vực này", ISW cho hay, trái ngược với mức tăng chỉ 387km2 trong cả năm 2023.
Theo ISW, trung bình các thành quả của Nga vào tháng 9 là 14km2/ngày nhưng con số này đã tăng lên 22 km2/ngày kể từ ngày 1/11. Đây vẫn là con số nhỏ so với 1.265km2 quân đội Nga chiếm được mỗi ngày vào tháng 3/2022 nhưng vẫn là sự gia tăng đáng kể so với 2 năm qua.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-canh-bao-ten-lua-vuon-khap-chau-au-chien-truong-mien-dong-ukraine-ruc-lua-post1138891.vov