Những dấu chân hóa thạch được phát hiện tại khu vực Koobi Fora, Kenya, không chỉ cho thấy sự giao thoa giữa hai loài mà còn tiết lộ một phần quan trọng của hành trình tiến hóa của loài người.
Một dấu chân hóa thạch được cho là do một cá thể Paranthropus boisei tạo ra. (Nguồn: Đại học Chatham)
Khoảng 1,5 triệu năm trước, trên bờ hồ đầy bùn ở miền Bắc Kenya, những dấu chân đã được lưu lại trên mặt đất.
Những dấu chân này là bằng chứng về sự hiện diện của 2 loài người tiền sử Paranthropus boisei và Homo erectus. Họ sống chung trong thế giới hoang dã đầy thử thách.
Những dấu chân hóa thạch này được phát hiện tại khu vực Koobi Fora, không chỉ cho thấy sự giao thoa giữa hai loài mà còn tiết lộ một phần quan trọng của hành trình tiến hóa của loài người.
Những dấu chân được bảo tồn qua hàng triệu năm, cho phép các nhà khoa học nhìn lại quá khứ xa xôi và hình dung cách các loài người tiền sử từng bước đi trên một bờ hồ giàu tài nguyên.
Paranthropus boisei - với vóc dáng nhỏ bé và hộp sọ đặc trưng để nhai thức ăn thô - và Homo erectus - loài người tiến hóa hơn với dáng đi thẳng đứng và bàn chân cứng cáp - đã từng bước qua nhau tại vùng đất trù phú nhưng cũng đầy nguy hiểm.
Một dãy 12 dấu chân liên tiếp của Paranthropus boisei đã được phát hiện, mỗi dấu chân dài khoảng 26cm, cho thấy dáng đi phẳng chân giống loài tinh tinh. Đặc điểm này phản ánh cấu trúc cơ thể của loài, với các ngón chân cái linh hoạt và dáng đi không giống con người hiện đại.
Một dãy 12 dấu chân liên tiếp của Paranthropus boisei đã được phát hiện, mỗi dấu chân dài khoảng 26cm, cho thấy dáng đi phẳng chân giống loài tinh tinh. Đặc điểm này phản ánh cấu trúc cơ thể của loài, với các ngón chân cái linh hoạt và dáng đi không giống con người hiện đại.
Bên cạnh đó, 3 dấu chân khác có hình dạng giống người hiện đại và được cho là của Homo erectus, với bàn chân cứng có vùng lõm cao, cùng kiểu dáng đi đặc trưng dựa lực vào các ngón chân giúp di chuyển hiệu quả hơn trong cuộc sống săn bắn.
Tiến sỹ Louise Leakey - Giám đốc Dự án nghiên cứu Koobi Fora - cho biết những dấu chân này có thể đã được để lại trong vài giờ hoặc vài ngày, khi bùn còn ướt.
Bà chia sẻ: “Hai loài người tiền sử có thể đã nhìn thấy nhau khi cùng lội qua vùng nước nông, săn bắt và hái lượm.”
Phát hiện này khiến các nhà khoa học đặt ra câu hỏi liệu Paranthropus boisei và Homo erectus có tranh giành nhau về tài nguyên hay không, hay sự khác biệt về đồ ăn uống và cách sử dụng tài nguyên đã giúp họ cùng tồn tại mà không xung đột.
Tiến sỹ Kevin Hatala thuộc trường Đại học Chatham, tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng hai loài này có thể đã chung sống tại khu vực Koobi Fora trong khoảng 200.000 năm. Mặc dù khả năng cạnh tranh trực tiếp là có thể, nhưng sự khác biệt về chế độ ăn uống có thể đã giúp giảm thiểu xung đột giữa họ.
Paranthropus boisei chủ yếu ăn thức ăn thô như cỏ và củ, trong khi Homo erectus có chế độ ăn đa dạng hơn, bao gồm cả thịt nhờ có công cụ.
Vì thế, họ không cần phải tranh giành với nhau quá quá gay gắt, nhất là trong một môi trường có nhiều tài nguyên và đầy rẫy các mối nguy hiểm như cá sấu và hà mã.
Đáng chú ý là các dấu chân không chỉ cung cấp thông tin về giải phẫu và dáng đi của hai loài mà còn mở ra những hiểu biết sâu sắc về hành vi và môi trường sống ở thời điểm đó.
Theo Tiến sỹ Neil Roach từ trường Đại học Harvard (Mỹ), dấu chân của Homo erectus cho thấy dáng đi thẳng đứng với bàn chân cứng và ngón chân làm điểm tựa, một đặc điểm tiến hóa giúp họ đi bộ xa hơn và săn bắn tốt hơn. Trong khi đó, dấu chân của Paranthropus boisei gợi nhớ đến cách đi của tinh tinh, với ngón cái linh hoạt và bàn chân phẳng.
Dù Paranthropus boisei đã biến mất vài trăm nghìn năm sau đó nhưng dấu chân của loài này vẫn là chứng tích sống động về một thời kỳ quan trọng trong lịch sử nhân loại.
Những dấu vết này không chỉ kể câu chuyện về sự tương tác giữa hai loài người tiền sử, mà còn phản ánh một phần quan trọng trong hành trình tiến hóa phức tạp của loài người./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cau-chuyen-he-lo-tu-dau-chan-15-trieu-nam-tuoi-post998270.vnp