Cập nhật: 05/12/2024 10:39:00
Xem cỡ chữ

Nhau thai là cầu nối quan trọng giữa mẹ và bé, cung cấp dinh dưỡng và oxy, đồng thời bảo vệ thai nhi khỏi các tác động xấu từ cơ thể mẹ. Tuy nhiên, khi nhau thai gặp vấn đề sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Khi nghe tiếng tim thai, mẹ nào cũng mong bé yêu của mình phát triển khỏe mạnh. Nhưng ít ai biết rằng, ngoài sự chăm sóc của mẹ, có một bộ phận trong cơ thể mẹ có vai trò sống còn trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi, đó chính là nhau thai. Tuy nhiên, khi nhau thai gặp sự cố bất thường, hành trình làm mẹ có thể gặp phải những thử thách lớn, khiến các mẹ phải đối diện với những tình huống khẩn cấp và nguy hiểm.

Ths. BS CKII Lưu Quốc Khải, nguyên Trưởng khoa đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người đã từng cấp cứu và điều trị thành công cho nhiều ca nhau cài răng lược, kể lại: "Trong một ca phẫu thuật, tôi nhớ rõ hình ảnh một bệnh nhân mất khoảng 1-2 lít máu chỉ trong vài phút, tình trạng của bệnh nhân chuyển từ bình thường sang sốc nặng. Quá trình phẫu thuật diễn ra rất khẩn trương, với mỗi nhịp tim trên máy đều là sự sống của bệnh nhân"

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hoa - 30 tuổi ở Hà Nội, cũng không tránh khỏi thử thách lớn khi chị được chẩn đoán nhau tiền đạo ngay trong lần mang thai đầu tiên. Chị chia sẻ: "Ngay từ tuần thứ 12, tôi đã biết nhau thai bám thấp. Đến tuần thứ 28, bác sĩ xác nhận tôi bị nhau tiền đạo. Điều này khiến vợ chồng tôi rất lo lắng vì không biết bé có gặp vấn đề gì không. Sau 3 tháng theo dõi, tôi được bác sĩ chỉ định sinh mổ và may mắn, chúng tôi đã đón bé yêu khỏe mạnh".

nhau thai va cac bien chung nguy hiem hinh anh 1

Các mức độ của bệnh lý nhau cài răng lược

Theo bác sĩ Tạ Việt Cường, Phó Giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhau tiền đạo và nhau cài răng lược đều là những bệnh lý sản khoa nghiêm trọng với nguy cơ mất máu lớn trong thai kỳ và trong quá trình sinh nở. Nhau tiền đạo là tình trạng khi nhau thai bám thấp, che lấp một phần hoặc toàn bộ đường ra của em bé. Điều này khiến cho việc sinh tự nhiên trở nên rất khó khăn và nguy hiểm, vì có thể gây chảy máu nghiêm trọng. Còn nhau cài răng lược là một biến chứng nghiêm trọng hơn, khi nhau thai bám quá sâu vào tử cung, khiến việc tách nhau sau sinh trở nên rất khó khăn và dễ gây băng huyết nguy hiểm.

Các mẹ bầu cần làm gì để phát hiện sớm?

Những mẹ bầu có tiền sử mổ đẻ cũ cần đặc biệt chú ý, vì đây là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng gặp phải các biến chứng liên quan đến nhau thai. Bác sĩ Tạ Việt Cường giải thích: "Khi có vết mổ cũ, nhất là ở những phụ nữ đã từng mổ đẻ, nguy cơ nhau thai bám vào vị trí vết mổ cũ và có khả năng xuyên qua cơ tử cung tăng lên. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược. Vì vậy, việc theo dõi và siêu âm sớm để xác định vị trí bám của nhau thai là rất quan trọng."

Cụ thể, đối với các sản phụ, bác sĩ khuyến cáo cần đi khám thai định kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai nhi và vị trí của nhau thai. Nếu thấy thai bám vào vết mổ cũ hoặc ở vị trí thấp trong tử cung, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ hơn trong suốt thai kỳ.

Bác sĩ Tạ Việt Cường cũng nhấn mạnh: "việc siêu âm ở giai đoạn đầu thai kỳ rất quan trọng. Nếu phát hiện nhau thai bám gần vết mổ cũ hoặc ở vị trí thấp trong tử cung, bác sĩ sẽ đưa ra phương án theo dõi và can thiệp kịp thời."

Biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhau tiền đạo và nhau cài răng lược có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Cường cho biết: "trong các trường hợp nhau cài răng lược, nếu không can thiệp kịp thời, nhau thai có thể xuyên qua cơ tử cung và bám vào các cơ quan xung quanh như bàng quang, dẫn đến băng huyết nghiêm trọng và cần phải thực hiện phẫu thuật cắt tử cung để bảo vệ tính mạng của mẹ."

Ngoài ra, nếu nhau thai bám thấp và che lấp đường ra của em bé, việc sinh thường sẽ rất nguy hiểm. Việc chảy máu nhiều trong quá trình sinh có thể gây đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Do đó, việc phát hiện sớm và có kế hoạch sinh phù hợp là rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm này.

nhau thai va cac bien chung nguy hiem hinh anh 2

Giải pháp điều trị và cách giảm thiểu nguy cơ

Với sự tiến bộ của y học, ngày nay việc bảo tồn tử cung trong các trường hợp nhau cài răng lược đã trở nên khả thi hơn. Bác sĩ Cường cho biết: "Trước đây, khi gặp phải tình trạng nhau cài răng lược, việc cắt tử cung gần như là bắt buộc. Tuy nhiên, với sự phát triển của các kỹ thuật mổ hiện đại, nhiều ca phẫu thuật đã có thể bảo tồn tử cung và giúp sản phụ giữ lại khả năng sinh sản."

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một trong những nơi có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn tử cung cho các sản phụ mắc nhau cài răng lược. Bác sĩ Cường chia sẻ thêm: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi ca mổ, đánh giá kỹ vị trí bám của nhau thai và lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé."

Mỗi thai kỳ là một hành trình đặc biệt và đầy thử thách, và sự an toàn của mẹ và bé luôn phải được đặt lên hàng đầu. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình, đi khám thai định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến nhau thai. Việc phát hiện và điều trị kịp thời có thể giúp giảm thiểu những rủi ro, giúp mẹ và bé khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.

Theo Phạm Trang/VOV2

 https://vov.vn/suc-khoe/nhau-thai-va-cac-bien-chung-nguy-hiem-post1139959.vov