Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, chủ động áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Năng động, nhạy bén, gia đình ông Hoàng Văn Nguyên, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch đã chủ động chuyển đổi diện tích đất đồi sang xây dựng trang trại quy mô lớn. Đến nay, gia đình ông đã có trang trại nuôi hơn 10 nghìn gà thịt và gà đẻ trứng, chuồng nuôi khép kín xa khu dân cư, bên trong được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, camera giám sát, nhiệt kế điện tử; trang bị hệ thống quạt thông gió, giàn mát điều hòa nhiệt độ và giảm lượng khí độc lưu thông trong chuồng. Đồng thời, xây dựng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, giúp giảm chi phí nhân công.
Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, thổ nhưỡng, tham quan học hỏi nhiều mô hình trang trại tổng hợp, với số vốn tự có sau bao năm tích lũy cùng sự giúp sức của gia đình, ông Hoàng Quốc Tùng, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch đã cải tạo diện tích đồi tạp để trồng cây ăn quả. Hiện, gia đình ông Tùng đang trồng hàng trăm gốc hồng xiêm, mít và nhãn, cùng với nhiều đõ ong để lấy mật. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm gia đình luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Lập Thạch tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng các loại cây hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải có kế hoạch, phù hợp thực tế địa phương. Đồng thời, hỗ trợ người dân về giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất thâm canh và các mô hình sản xuất hiệu quả giúp người nông dân có điều kiện phát triển sản xuất quy mô lớn.
Đặng Thưởng