Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc tại tất cả các địa phương trên cả nước. Đây là bước đi quan trọng nhằm giảm áp lực lên môi trường, tiết kiệm tài nguyên và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự hiệu quả, chúng ta còn đối mặt với nhiều thách thức. Về vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
PV: Thưa ông, mốc 1/1/2025 sắp tới, là thời điểm cần bắt buộc phân loại rác tai nguồn. Xin ông cho biết ý nghĩa của công tác phân loại rác với cuộc sống và nền kinh tế của chúng ta?
PGS. TS Trương Mạnh Tiến: Việc này có ý nghĩa rất lớn, bởi vì là thứ nhất giúp chúng ta tiết kiệm được nguyên liệu,vì trong khi thải ra thì trong các chất thải đấy vẫn có thể tận dụng để có được nguyên liệu từ phương thức sản xuất này sang phương thức sản xuất khác, rác thải của bên này nó lại là đầu vào nguyên liệu cho nơi khác.
Cái thứ hai nữa là nó đảm bảo việc không bị ô nhiễm ở khu dân cư và ngay tại các gia đình, đảm bảo được thứ nhất là sẽ có thời gian quy định cụ thể để đưa nó đi và rác không bị lưu giữ lâu. Tiếp nữa là ngoài việc tiết kiệm và thực hiện kinh tế tuần hoàn như hiện nay thì nhiều loại rác có thể làm phân vi sinh.
PV: Rõ ràng có nhiều khó khăn, thách thức, vậy theo ông đâu là những khó khăn cần tập trung giải quyết ưu tiên, và kiến nghị của ông là gì để kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất?
PGS. TS Trương Mạnh Tiến: Việc vận động lâu nay là các phong trào, sau đấy thì thôi. Hết dự án thì dừng lại, thế nhưng đây được ghi trong luật, hướng dẫn cụ thể thì nó tạo một nếp rất tốt trong đời sống sinh hoạt của chúng ta, bảo vệ môi trường nói chung.
Những vấn đề vướng thì hiện nay vì thời hạn rất gấp rồi, chỉ còn có gần một tháng nữa thôi mà trong khi đó thú thực tôi được biết là hướng dẫn kỹ thuật cũng chưa triệt để được cho tất cả 63 tỉnh, thành.
Ảnh minh họa: VGP
Thứ hai nữa là đang rất thiếu là về nguồn lực, nhân lực, tài lực, nguồn lực tài chính, lẽ ra khi mà phân loại triệt để rác tại nguồn thì các loại đã được phân ra trong các túi đựng khác nhau, thì trong quy định là sẽ đánh thuế học phí vào khối lượng.
Nhưng mà bao bì quy định khối lượng đấy chúng ta chưa có được để mà bán. Vì nếu làm như các nước thì khi có bao bì thì người ta sẽ cố gắng nếu có nhiều rác người ta sẽ lèn thật là chặt, càng nhiều càng tốt vì ta người ta chỉ dùng một loại phí như nhau.
Cái điểm nữa khi mà phân loại rác tốt rồi nhưng mà đến nơi trung chuyển thì lại đổ chung vào. Ví dụ bất kỳ khu tập thể nào cũng thế, có một đường ống từ các tầng cao họ đưa xuống thì rác lại vứt cùng với nhau và xe của chúng ta lại vận chuyển chung tất cả rác đến một nơi. Đâu lại vào đó, lại phải phân loại một lần nữa, như thế không triệt để. Cá nhân tôi thấy đến mùng 1/1/2025 có thể là khó đạt được.
Tiếp nữa là hiện nay các công nghệ không đủ, một số cơ sở là có thể có được thôi. Thế rồi ý thức của người dân thì mặc dù đã hiểu rồi, đã biết rồi đấy nhưng chưa thành ý thức thường trực, thành ra là cũng khó.
Tôi nói thật là ngay cả khu chúng tôi ở đây thôi họ cũng không phân loại rác triệt để đâu và mong rằng bà con chúng ta một lần nữa là khi chúng ta hiểu rồi, thấy được giá trị của việc phân loại chất thải tại nguồn, thì mình làm cho nó tốt đi, để góp phần vào kinh tế tuần hoàn, trong đó có xử lý ô nhiễm môi trường của chúng ta được tốt nhất có thể.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Xuân Tú/VOV-Giao thông
https://vov.vn/xa-hoi/bat-buoc-phan-loai-rac-tai-nguon-sap-co-hieu-luc-lieu-co-kha-thi-post1140224.vov