Tình trạng sản xuất, mua bán, sử dụng giấy tờ giả diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng khi nhiều đối tượng công khai quảng cáo dịch vụ làm giấy tờ giả trên mạng xã hội. Việc sử dụng giấy tờ giả gây hậu quả nghiêm trọng, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, tổ chức, cá nhân liên quan và ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh trật tự.
Nắm bắt nhu cầu của xã hội và lợi dụng công nghệ 4.0, nhiều đối tượng công khai rao bán, mời chào dịch vụ làm giấy tờ giả qua mạng xã hội bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Các loại giấy tờ từ căn cước công dân, giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe đến các loại văn bằng, chứng chỉ, thậm chí là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ công chứng, vi bằng... của các cơ quan Nhà nước, cơ quan chức năng cũng dễ dàng được làm giả với giá trị chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Từ năm 2021 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã điều tra, làm rõ hàng chục vụ việc có liên quan đến hoạt động sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, tài liệu giả. Qua đó, đã phát hiện, thu giữ hàng trăm văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả các loại và các công cụ, phương tiện mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Hành vi sử dụng giấy tờ giả gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, tổ chức, cá nhân liên quan cũng như an ninh trật tự ở địa phương, nhất là khi các đối tượng sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do vậy, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong việc phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các trường hợp nghi ngờ sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả để có biện pháp xử lý kịp thời, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật.
Kim Liên