Nhằm phấn đấu đến ngày 31/12/2024, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được phân loại tại nguồn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được UBND tỉnh ban hành.
Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 62 ngày 07/3/2024 về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại thành 3 nhóm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải sinh hoạt khác. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện thí điểm tại một số địa phương, tỷ lệ rác thải được phân loại tại nguồn còn thấp, phần lớn lượng rác phát sinh được xử lý bằng phương pháp chôn lấp chưa bảo đảm vệ sinh môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phân loại rác. Tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao tại Đề án Thu gom, xử lý và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề nghị Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đề xuất giải pháp thu hút các dự án tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đề nghị UBND các huyện, thành phố huy động hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ủng hộ việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương.
Lưu Trường