Vùng biển Việt Nam đang tập trung khoảng 340 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới, phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam. Tuy nhiên, các rạn san hô này đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, thậm chí sẽ biến mất nếu không có giải pháp bảo tồn kịp thời và hiệu quả.
Hoạt động thả phao khoanh vùng bảo vệ rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà. (Ảnh: P.V)
Ô nhiễm sinh thái đe dọa các rạn san hô
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang tác động sâu rộng đến các hệ sinh thái ở Việt Nam, gây ra những thay đổi đáng kể về cấu trúc, phạm vi phân bố của các loài sinh vật và mức độ đa dạng sinh học. Sự gia tăng nhiệt độ, biến động lượng mưa, nước biển dâng cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán và bão đang tạo áp lực lớn lên các loài động vật, thực vật hoang dã.
Rạn san hô được xem là một trong những hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất trước sức ép của biến đổi khí hậu. Minh chứng rõ nét khi hàng loạt san hô ở các vùng biển nước ta đang dần mất đi sắc tố rực rỡ và chỉ còn lại màu trắng tinh trước hiện tượng tẩy trắng san hô. Hiện tượng này đặt ra thách thức to lớn trong việc bảo tồn rạn san hô vốn đã bị huỷ diệt nghiêm trọng bởi tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác của con người.
Các rạn san hô tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà, nơi cư trú của hàng trăm loài sinh vật biển cũng không nằm ngoài quy luật khi liên tục suy giảm cả về độ phủ, diện tích và số lượng loài trong khoảng 15 năm trở lại đây. Bên cạnh những yếu tố như du lịch phát triển nhanh, hoạt động khai thác quá mức, ô nhiễm rác thải nhựa,… biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực này.
Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, TS. Nguyễn Đăng Ngải - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường Biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, rạn san hô tại Cát Bà đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu. Theo ông, tăng nhiệt độ nước biển là nguyên nhân chính gây tẩy trắng san hô, với mức độ nghiêm trọng hơn ở các vùng rạn phía Nam. Ở khu vực phía Bắc, tình trạng này xảy ra ít hơn nhưng vẫn gây ảnh hưởng. Ngoài ra, các cơn bão và sóng lớn không chỉ phá hủy rạn san hô ở vùng nước nông mà còn làm thay đổi độ mặn của nước biển. Lượng mưa lớn kéo theo trầm tích từ lục địa và gia tăng trầm tích nội tại, khiến nước biển đục, làm cản trở quá trình quang hợp của tảo cộng sinh trong san hô, thậm chí vùi lấp rạn san hô.
“Những thách thức này đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực không ngừng để bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô tại Cát Bà nói riêng và các rạn san hô trên toàn Việt Nam nói chung”, TS. Nguyễn Đăng Ngải nhấn mạnh.
Pháp luật cần đi cùng hành động
Bảo tồn các rạn san hô ở Việt Nam là một phần trong Chiến lược khai thác, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý như: Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, cùng các nghị định và quyết định liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học. Những chính sách này đặt trọng tâm vào việc bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái biển, trong đó có rạn san hô - nguồn tài nguyên quan trọng giúp duy trì đa dạng sinh học và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng ven biển.
TS. Nguyễn Đăng Ngải đánh giá, để bảo vệ và phục hồi rạn san hô, cần thực hiện đồng thời các biện pháp, bao gồm giảm thiểu tác động từ con người như hạn chế khai thác hải sản quá mức, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, giảm thiểu nuôi trồng thủy sản gần các khu vực có rạn san hô. Đồng thời, cần kết hợp giữa các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát và thực thi các chính sách bảo tồn hiệu quả; thực hiện các chương trình trồng phục hồi các rạn san hô đã suy thoái, nhằm tái thiết lại hệ sinh thái biển một cách bền vững.
Việt Nam hiện có 12 khu bảo tồn biển đang hoạt động, từ Cát Bà (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), đến Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), mỗi nơi đều mang giá trị đặc trưng về hệ sinh thái. Các biện pháp như giám sát, đánh giá, phục hồi san hô và kiểm soát hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản đã được triển khai ở các mức độ khác nhau nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ con người và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Chính phủ cũng khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp thông qua các chương trình hợp tác công - tư, cùng các sáng kiến trong nước và quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả trong việc bảo tồn san hô nói riêng và phát triển bền vững nói chung.
Một trong những giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại thời điểm này có thể kể đến hoạt động thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ, cảnh báo bảo vệ rạn san hô đang triển khai tại VQG Cát Bà.
Ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc VQG Cát Bà nhận định, để ứng phó với biến đổi khí hậu, trước hết chúng ta phải bảo vệ tốt các hiện trạng hiện có, cụ thể là thực hiện tốt công tác bảo tồn các hệ sinh thái từ trên rừng xuống dưới biển. Do đó, ông đánh giá giải pháp thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và các phương tiện về các rạn san hô đang được bảo vệ, bảo tồn. Việc thả phao cũng giúp xác định rõ khu vực cần tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ tốt hơn các rạn san hô vốn rất dễ tổn thương.
Theo baophapluat.vn
https://baophapluat.vn/bao-ton-va-phuc-hoi-he-sinh-thai-ran-san-ho-post533666.html