Cập nhật: 11/12/2024 08:38:00
Xem cỡ chữ

Từ ngày 7 - 12/12, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức đoàn khảo sát du lịch (FamTrip) tại 3 tỉnh miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Chú thích ảnh

Vẻ đẹp hoang sơ của các hang động được phát hiện tại xã Lâm Hóa (Quảng Bình). Ảnh: TTXVN phát

Đây là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành trong cả nước, các chuyên gia du lịch trực tiếp trải nghiệm, đánh giá các sản phẩm du lịch, từ đó có những kiến nghị, đóng góp để giúp các địa phương, các điểm du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, tìm hướng phát triển mới cho các loại hình du lịch địa phương, tạo thêm sinh kế cho người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.

Chuyến khảo sát có sự tham gia của trên 50 thành viên đến từ các doanh nghiệp lữ hành có trụ sở ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, góp phần tạo cơ hội các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu, khám phá tiềm năng du lịch, vẻ đẹp cảnh quan, văn hóa, con người tại các điểm du lịch ở miền Trung.  

Bà Nguyễn Thanh Nga, Chuyên viên chính, Phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, khác biệt lớn nhất của chương trình khảo sát du lịch Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là các điểm đến của đoàn chủ yếu ở những vùng còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch. Do đó, trong hành trình, các chuyên gia du lịch sẽ trải nghiệm, chia sẻ ý kiến đóng góp với cơ quan quản lý du lịch quốc gia và địa phương, đề xuất những sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trên cơ sở phát huy được thế mạnh của địa phương, để tiếp tục phát triển, hoàn thiện các dịch vụ du lịch.  

Điểm đến đầu tiên của đoàn là tỉnh Quảng Bình. Được thiên nhiên ưu đãi, Quảng Bình có rừng, biển cùng nhiều cảnh quan, danh thắng đẹp. Đặc biệt, Quảng Bình nổi tiếng là “vương quốc” hang động với nhiều điểm đến kỳ thú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh sự đa dạng, phong phú các danh thắng tự nhiên là sự sự giàu có vốn văn hóa truyền thống. Quảng Bình cũng nắm giữ lợi thế về giao thông với việc hội tụ đủ các loại hình gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây và có tuyến đường ngắn nhất giao thương với Lào, miền Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, hệ thống giao thông tại Quảng Bình đã được quy hoạch khép kín theo lãnh thổ định hướng cho phát triển bền vững.

Bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chia sẻ về những điểm thuận lợi và hạn chế của Quảng Bình; cho rằng chuyến khảo sát là cơ hội để Quảng Bình trực tiếp giới thiệu, quảng bá những điểm đến hấp dẫn tại địa phương với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lữ hành. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, Quảng Bình hi vọng thời gian tới sẽ gia tăng sự kết nối giữa cơ quan quản lý các cấp về du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở du lịch và người dân địa phương. Đồng thời, ngành du lịch Quảng Bình cũng sẽ có nhiều kết nối với các địa phương trong khu vực miền Trung cũng như là với các địa phương khác trong cả nước.

Sau khi đi khảo sát, các đơn vị sẽ đóng góp ý kiến, thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn hạn chế cần nhanh chóng được khắc phục để từ đó giúp các địa phương, các điểm du lịch hoàn thiện hơn các sản phẩm. Các doanh nghiệp lữ hành cũng lên ý tưởng kết nối nguồn khách, chia sẻ dịch vụ sau khi trải nghiệm.

Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2024, tổng lượng khách du lịch trên tỉnh Quảng Bình ước đạt hơn 4,54 triệu lượt khách, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước năm 2024, tỉnh sẽ đón 5,2 triệu lượt khách, tăng 15,3% so với năm 2023, đạt 104% kế hoạch năm.

Theo Ngọc Bích (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/du-lich/thuc-day-phat-trien-du-lich-tao-them-sinh-ke-cho-nguoi-dan-mien-trung-20241207180607380.htm