Cập nhật: 20/12/2024 08:42:00
Xem cỡ chữ

Mặc dù mắc cúm trong thời kỳ mang thai là đáng lo ngại nhưng tin tốt là hầu hết phụ nữ mang thai đều có thể hồi phục tốt nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách.

1. Cách nhận biết mắc bệnh cúm khi mang thai

Khi mang thai, do sự thay đổi về cơ thể và nội tiết, sức đề kháng suy giảm khiến thai phụ dễ mắc bệnh cúm hơn so với người bình thường, các triệu chứng cũng thường kéo dài, đồng thời dễ có nguy cơ bị biến chứng hơn. Do đó, nhận biết và xử lý sớm khi mắc bệnh cúm rất quan trọng.

Theo BS. Trần Thu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người bị cúm thường có các biểu hiện như sốt tương đối cao (trên 39 độ), lúc nóng, lúc lạnh, đau đầu, toàn thân nhức mỏi, thường sau khi hạ sốt sẽ có các triệu chứng như: ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng…

Trung bình một trường hợp bệnh cúm có thể kéo dài từ 3 - 4 ngày nhưng với phụ nữ mang thai có thể lâu hơn vài ngày. Nguy cơ của bệnh cúm là có thể dẫn đến viêm phổi do virus và viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn nhiều.

Cúm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ mà còn có khả năng gây hại cho thai nhi như gây sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non và có thể còn dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Do đó, khi thai phụ có những triệu chứng nghi ngờ mắc cúm cần đi khám ngay để được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc điều trị cụ thể, không được tự ý dùng thuốc tránh gây hại cho cả mẹ và thai nhi.

Cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan cho người khác, đồng thời áp dụng các biện pháp hạ sốt thích hợp như: dùng khăn ấm lau người hoặc chườm lên vùng trán, uống nhiều nước ấm, chú ý nghỉ ngơi…

Cách giảm triệu chứng bệnh cúm không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai- Ảnh 1.

Bệnh cúm gây ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai.

2. Các biện pháp tự nhiên hỗ trợ an toàn cho phụ nữ mang thai bị cúm

Nghỉ ngơi: Người mắc bệnh cúm cần được nghỉ ngơi yên tĩnh để hồi phục sức khỏe. Nâng cao đầu khi ngủ có thể giúp giảm triệu chứng.

Súc miệng họng bằng nước muối sinh lý: Dùng nước muối sinh lý súc miệng nhiều lần trong ngày để làm dịu cơn đau họng. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch chất nhầy từ mũi và xoang.

Tăng cường dinh dưỡng: Ăn đủ chất, các món ăn nên chế biến dưới dạng lỏng, dễ tiêu, hợp khẩu vị. Một số món ăn người bệnh cúm nên dùng là súp gà, cháo gà, cháo thịt băm, cháo trứng, cháo hành… Những món ăn này dễ nuốt, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, lại có tác dụng giải cảm, rất tốt khi bị cảm cúm.

Giữ đủ nước: Uống nhiều nước như nước lọc, nước trái cây, trà thảo mộc với mật ong và chanh, nước dùng trong như nước dùng gà.

Uống nhiều nước lọc giúp làm loãng dịch mũi, giảm ho và ngăn ngừa mất nước. Bổ sung nước trái cây cung cấp vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng. Uống nước dùng gà giúp làm ấm cơ thể và giảm viêm. Uống một số loại trà thảo mộc như trà gừng, trà chanh có thể giúp giảm các triệu chứng cảm cúm.

Theo dõi nhiệt độ cơ thể: Nếu sốt cao hoặc kéo dài hoặc có các dấu hiệu bất thường như: khó thở, đau ngực, chóng mặt... cần đến bệnh viện khám lại ngay.

Cách giảm triệu chứng bệnh cúm không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai- Ảnh 3.

Ăn uống đủ chất giúp hỗ trợ phòng và điều trị cúm cho phụ nữ mang thai.

3. Cách phòng bệnh cúm khi mang thai

Do bệnh cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi nên việc chủ động phòng tránh rất quan trọng. Phụ nữ mang thai cần lưu ý:

Tiêm vaccine phòng cúm: Tiêm phòng cúm là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine cúm đã được chứng minh an toàn và hiệu quả. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thai phụ có thể tiêm vaccine cúm ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, thời điểm lý tưởng là trước khi mùa cúm bắt đầu.

Vệ sinh cá nhân thật tốt: Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với người bệnh. Tránh chạm vào mắt, mũi, miệng vì đây là những con đường lây nhiễm virus cúm.

Giữ khoảng cách: Tránh tiếp xúc gần, không tiếp xúc với người bị cảm cúm. Đặc biệt trong mùa cúm nên hạn chế đến những nơi đông người. Nên đeo khẩu trang khi đi đến nơi đông người hoặc tiếp xúc với người có dấu hiệu mắc bệnh.

Sinh hoạt và ăn uống lành mạnh: Để phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như cúm, việc duy trì một lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Phụ nữ mang thai cần chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh; Cần ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây, rau xanh để tăng cường hệ miễn dịch; Uống đủ nước; Ngủ đủ giấc và tập thể dục với các bài tập phù hợp để duy trì sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Theo suckhoedoisong.vn
 https://suckhoedoisong.vn/cach-giam-trieu-chung-benh-cum-khong-dung-thuoc-cho-phu-nu-mang-thai-169241216155107023.htm